Chữa “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:07, 20/11/2018
Những “triệu chứng” thường gặp
“Bệnh thành tích” là mặt tiêu cực của thành tích, đó là thành tích giả, thành tích “ảo”, thành tích ngụy tạo, thành tích do thổi phồng mà có. Cũng có thể đó là thành tích thật nhưng cá nhân, tập thể lập được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua mà đạt thành tích bằng việc “lạng lách, đánh võng”, thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.
Theo Tiến sĩ Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chống “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất sớm trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947. Thời kỳ này, Người gọi “bệnh thành tích” là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện, như: “Làm được ít thì suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”. Có thể khẳng định, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là những lời tuyên chiến rõ ràng, quyết liệt nhất của Đảng ta đối với “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng hiện nay biểu hiện ngay trong công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Trì hoãn, làm lướt, làm ngơ việc phổ biến nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên khi nghị quyết đó “bắt đúng bệnh” của địa phương, đơn vị mình. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI, đã có những địa phương cố tình trì hoãn phổ biến Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về chất vấn trong cấp ủy và không chú trọng tổ chức thực hiện ở các cấp vì sợ thực hiện sẽ phát hiện ra những hạn chế, khuyết điểm trong đảng bộ và người đứng đầu địa phương, đơn vị mình. “Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng còn biểu hiện qua việc né tránh, ém nhẹm những điểm “nóng” từ cơ sở bởi lý do tế nhị, nhạy cảm hoặc được đóng dấu mật để che mắt dư luận.
Không những thế, “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng đang “bám rễ” vào cả công tác lý luận. Không ít cấp ủy chi tiêu tốn kém cho những công trình, đề tài lý luận “đao to, búa lớn” nhằm lấy thành tích cho người đứng đầu mà không tìm ra cái mới, cái thiết thực cho công tác lãnh đạo...
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về tổ chức đang có những biểu hiện nghiêm trọng. Cụ thể như việc “bổ nhiệm trong chuyến tàu vét” khi đến lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, mà những gì từng diễn ra ở Thanh tra Chính phủ trước đây là một ví dụ.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về tổ chức còn thể hiện qua việc kết nạp đảng viên chạy theo số lượng mà không chú ý vấn đề chất lượng. Nhiều cấp ủy Đảng hay “kêu khó” trong công tác phát triển Đảng để biện minh cho những việc làm trái nguyên tắc của mình mà không thấy rằng kết nạp nhầm đảng viên còn nguy hại hơn nhiều.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng hiện nay gây bức xúc dư luận nhiều nhất là việc lợi dụng các quy định của Đảng để “bổ nhiệm thần tốc” những người thân quen của người đứng đầu. Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
“Bệnh thành tích” còn có cả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Biểu hiện trong lĩnh vực này là ít, nhưng rất nguy hiểm. Như việc một số cấp ủy chạy theo thành tích xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra dàn trải, tràn lan để báo cáo, nhưng không thực hiện hoặc kiểm tra qua loa, đại khái, trở thành “tấm khiên” che đỡ cho các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc tình trạng chọn những điển hình tiên tiến để kiểm tra nhằm tạo vẻ đoàn kết, bình yên giả tạo hoặc đánh bóng tên tuổi cho cá nhân, tổ chức cấp trên.
Các biện pháp phòng, chống
Hậu quả của “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng là vô cùng lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng rằng, đây là một hiện tượng xã hội nguy hại, cần có cách thức phòng, chống phù hợp với những bước đi, việc làm kiên trì và kiên quyết trong từng giai đoạn. Trước hết, mỗi người cần có nhận thức đúng, đầy đủ về những vấn đề này, thấy rõ thực trạng, hiểu rõ nguyên nhân, nắm chắc cả khó khăn và thuận lợi để từ đó thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này khỏi xã hội.
Các tổ chức Đảng cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, với những nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp (trong sinh hoạt chi bộ, thông qua tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội…). Qua đó, cung cấp cho đảng viên và quần chúng về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến tướng của “bệnh thành tích”, các biện pháp phòng, chống trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Với các tổ chức cơ sở Đảng, chống “bệnh thành tích” phải xuất phát từ việc xây dựng các nghị quyết, quy chế, quy định sát đúng, kiên quyết không để các nghị quyết, quy chế, quy định của tập thể trở thành nơi hợp thức hóa những ý chí cá nhân của người đứng đầu. Phải gắn liền giữa chống “bệnh thành tích” với “tư duy nhiệm kỳ”, nếu không nhận rõ vấn đề này thì các cấp ủy dễ bị mất sức chiến đấu, vô hiệu hóa hoặc trở thành bình phong cho người đứng đầu trong việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết...
Phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng viên và quần chúng trong mỗi tổ chức Đảng hiện nay là biện pháp rất quan trọng để chống “bệnh thành tích”. Phát huy quyền làm chủ tập thể phải gắn liền với nâng cao trình độ hiểu biết của quần chúng về phong trào thi đua, như thế sẽ tránh được tình trạng lôi kéo, tập hợp quần chúng của những “nhóm lợi ích” trong mỗi tập thể.
Cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong chống “bệnh thành tích”. Việc chọn người đứng đầu có ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với tinh thần tôn trọng khách quan, đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; đặt lợi ích tập thể và lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết… thì sẽ chống “bệnh thành tích” có hiệu quả.