Nguy cơ khan hiếm insulin điều trị tiểu đường trên thế giới vào 2030
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:32, 21/11/2018
(Nguồn: getty images) |
Thông tin trên là kết luận của công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tiểu đường và nội tiết học Lancet ngày 21-11.
Hiện có tới 9% số người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường, tăng so với mức 5% hồi năm 1980.
Phần lớn trong số này mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, có liên quan tới tình trạng béo phì, lười tập thể dục và số trường hợp này đang tăng mạnh đặc biệt ở các nước đang phát triển khi người dân nơi đây theo đuổi lối sống đô thị của phương Tây.
Theo các nhà nghiên cứu, lượng insulin cần để điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng hơn 20% trong 12 năm tới. Tuy nhiên, loại thuốc này được dự báo là sẽ "nằm ngoài tầm tay" của một nửa trong số 79 triệu bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 vào năm 2030. Dự báo, tình trạng thiếu insulin xảy ra trầm trọng nhất tại châu Phi.
Tiến sỹ Sanjay Basu của Đại học Stanford (Anh) ước tính, nguồn cung insulin sẽ phải tăng gấp 7 lần tại châu Phi để điều trị cho những người mà bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cần insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
Phần lớn các nước trên thế giới đang trong tình trạng khan hiếm insulin và các bệnh nhân rất khó tiếp cận được loại thuốc này mặc dù Liên hợp quốc đã cam kết đảm bảo việc tiếp cận các loại thuốc điều trị tiểu đường. Nguồn cung insulin hiện nằm chủ yếu trong tay ba công ty dược phẩm là Novo Nordisk, Sanofi và Eli Lilly.
Tuy nhiên, giá thuốc insulin vẫn đắt đỏ và có thể nằm ngoài khả năng chi trả của những nước nghèo, nơi có chuỗi cung ứng vòng vo phức tạp và người môi giới ăn lời cao thường khiến loại thuốc này không thể đến tay nhiều bệnh nhân.
Theo tính toán của Tiến sỹ Basu và các đồng nghiệp, lượng insulin sử dụng trên toàn cầu sẽ tăng từ 526 triệu lọ 1.000 đơn vị (lọ 10ml) năm 2018 lên đến 634 triệu lọ vào năm 2030.
Tiểu đường là nguyên nhân có thể dẫn tới mù lòa, suy thận, các vấn đề về tim mạch, đau dây thần kinh và cụt chân tay.