Thực phẩm bếp ăn trường học: Bao giờ hết lo?
Giáo dục - Ngày đăng : 08:01, 22/11/2018
Cán bộ y tế thăm hỏi trẻ Trường Mầm non Xuân Nộn bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. |
Hàng loạt vụ ngộ độc trong trường học
Trưa 14-11, Trường Mầm non Xuân Nộn tổ chức liên hoan buffet cho cô và trò nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Sau bữa ăn hơn một ngày, đến 15h ngày 15-11, một số trẻ của Trường Mầm non Xuân Nộn phải nhập viện với biểu hiện sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài... Liên tiếp những ngày sau đó, hơn 200 trẻ của trường mầm non này đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm.
Kết quả cấy vi khuẩn trên bệnh phẩm của bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella type 2. Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn cũng cho thấy 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella. Đây là vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột, nóng, sốt, đau bụng tiêu chảy…
Hơn 1 tháng trước đó, vào chiều 5-10, hơn 300 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Ninh Bình) có triệu chứng buồn nôn, nôn, sốt, có em bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm. Việc cùng lúc có hàng trăm trẻ phải nhập viện đã khiến phụ huynh hoang mang cao độ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cử đoàn công tác do Tiến sĩ Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông làm Trưởng đoàn đến tỉnh Ninh Bình để hỗ trợ điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Kết quả điều tra cho thấy, hơn 300 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng bị ngộ độc do món ruốc gà mà nhà trường tự chế biến có nhiễm tụ cầu vàng. Khuẩn tụ cầu vàng có thể xuất hiện khi thực phẩm để lâu mà không được bảo quản tốt, quá trình chế biến không bảo đảm vệ sinh...
Trước sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng 2 ngày, vào sáng 3-10, tại Trường Tiểu học bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có hơn 170 em học sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn bữa sáng (gồm có xôi và thịt băm).
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn, tiến hành xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân. Kết quả cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc là thịt băm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn…
Trước những sự việc nói trên, anh Đặng Minh Quang (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) nhận xét: “Tôi có 3 cháu thì cả 3 đều ăn bán trú ở trường. Khi biết thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm trường học thời gian gần đây, tôi thực sự rất lo lắng. Nhiều gia đình do bận rộn, không thể đưa đón con về nhà ăn trưa nên phần lớn đều đăng ký bán trú cho con. Để phụ huynh yên tâm, các trường học phải có sự minh bạch trong việc thông báo về đơn vị cung cấp thực phẩm, kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm, nhất là với các trường có học sinh đã từng bị ngộ độc. Nhân viên nhà bếp phải bảo đảm không chế biến thức ăn bị ôi thiu, bẩn, mất an toàn…”.
Nhà trường phải làm hết trách nhiệm
Hà Nội hiện có khoảng 1.600 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Riêng cấp mầm non, 100% trường có bữa ăn bán trú. PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, nhà trường phải thể hiện trách nhiệm, không chỉ dạy mà còn có nhiệm vụ chăm nuôi các con. Đặc biệt, học sinh mầm non, tiểu học còn non nớt, sức đề kháng kém, vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm phải được chú trọng.
Mặt khác, nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì sẽ không đủ sức khỏe để học tập, phát triển. Do đó, cần lựa chọn kỹ đơn vị cung cấp thức ăn cho các trường học. Những đơn vị đưa thực phẩm “bẩn” vào trường học phải bị xử lý hình sự và vĩnh viễn không cho hoạt động trong lĩnh vực này.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các nhà trường cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học. Các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hằng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn. Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Riêng với vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non Xuân Nộn, theo ông Trần Văn Chung, Sở Y tế có văn bản đề nghị UBND huyện Đông Anh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát và làm rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên, đồng thời rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường trên địa bàn.