Giới thiệu 13 di tích quốc gia đặc biệt tới công chúng Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 21:26, 22/11/2018

Chiều 22-11, lần đầu tiên 13 di tích quốc gia đặc biệt được giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong một triển lãm mang tên “Di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội”...

Khách tham quan triển lãm "Di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội". (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)


Triển lãm trưng bày hơn 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về 13 di tích Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm-đền Ngọc Sơn, đền Phù Đổng, đền Sóc Sơn, đền Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Chèm, đình Tây Đằng, đền Hát Môn, đền Hai Bà Trưng, danh thắng Hương Sơn.

Thông qua triển lãm, công chúng hiểu hơn về giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, khảo cổ của các di tích quốc gia đặc biệt, nâng cao ý thức bảo vệ di sản.

Cùng với hoạt động triển lãm, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Đó là, triển lãm chuyên đề “Sắc màu cuộc sống”; trình diễn nghệ thuật dân gian, như ca trù, chèo tàu Tổng Gối, hát văn, kéo co truyền thống của Hàn Quốc do nghệ nhân Hàn Quốc trình diễn…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trải nghiệm di sản cho học sinh trên địa bàn Thủ đô được tổ chức như chương trình “Rung chuông vàng” chuyên đề văn hóa, lịch sử truyền thống; trải nghiệm trò chơi dân gian gồm kéo co, nhảy bao bố, bắt trạch trong chum, bịt mắt đập niêu...

Chiều cùng ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gặp mặt những người làm công tác di sản trên địa bàn thành phố, các chuyên gia lĩnh vực văn hóa, di sản; kêu gọi sự phối hợp, hỗ trợ để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thủ đô sở hữu khối di sản đồ sộ, phong phú với gần 6.000 di tích và 1.700 di sản phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quý, là cơ sở, nguồn lực phát triển, xây dựng thương hiệu đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc cho Hà Nội.

Trong nhiều năm qua, thành phố luôn nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đạt nhiều kết quả, như công tác nghiên cứu, kiểm kê, xếp hạng di tích; công tác bảo tồn di sản với hàng trăm tỷ đồng mỗi năm phục vụ nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo… Những kết quả này có đóng góp không nhỏ của những người làm công tác di sản từ thành phố tới cơ sở; sự phối hợp, hỗ trợ, tham vấn của nhiều chuyên gia lĩnh vực văn hóa, di sản.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)