Diện mạo mới trên tuyến đường đê

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 22/11/2018

(HNM) - Không còn cảnh đổ phế thải, vật liệu xây dựng, rác tràn lan như trước, tuyến đê sông Hồng đi qua huyện Thanh Trì, đoạn tiếp giáp với quận Hoàng Mai nay đã mang diện mạo khác, sạch sẽ, kết hợp những mảng sắc tím, vàng cam của các loại hoa giấy, thanh thảo, ngũ sắc...

Tuyến đê sông Hồng đi qua huyện Thanh Trì rực rỡ với sắc màu của các loại hoa.


Dẫn chúng tôi đi dọc triền đê sông Hồng, từ điểm tiếp giáp với quận Hoàng Mai đến dốc Đồng Trì (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì), thăm những hàng cây đang trổ hoa rực rỡ trong cái se lạnh của đợt gió mùa đông bắc tràn về, ông Phạm Đình Phúc, Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì giới thiệu, đoạn tuyến đê dài khoảng 1km đẹp như hôm nay là công sức của cán bộ, công chức, viên chức các phòng ban của huyện Thanh Trì trong gần 3 tháng qua.

Trước đây, dọc triền đê thưa vắng người nên nhiều xe ô tô lợi dụng đêm tối đã tới đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng. Nhiều người thiếu ý thức đem rác ra đổ khiến cả triền đê ô nhiễm. Phế thải xây dựng theo dòng phương tiện cuốn bụi tung lên gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

UBND huyện chỉ đạo phải khẩn trương khắc phục tình trạng này, xã Tứ Hiệp cũng đã lên phương án để gìn giữ tuyến đê sạch đẹp. Xã dự tính sẽ lắp camera theo dõi để giám sát và xử lý các phương tiện, người dân thiếu ý thức đổ trộm phế thải.

Tuy nhiên, lắp camera chi phí lớn (tới hơn 70 triệu đồng) dễ bị nghịch, phá, khó bảo quản được lâu dài nên không khả thi. Để hỗ trợ xã trong công việc này, các phòng ban chức năng của huyện đã đứng ra đảm nhận.

“Những ngày đầu gian nan lắm, lượng rác, phế thải nhiều, phải rất vất vả chúng tôi mới thu dọn hết. Nhưng bù lại, việc trồng và chăm sóc cây xanh lại vui như hội. Cả tuần đi làm ở công sở, nhưng vào các sáng ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, dọc triền đê này, các phòng ban vừa trồng cây, làm cỏ, vừa giao lưu với nhau, còn thi đua với nhau. Đoạn này của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, tiếp giáp kia là đoạn của các Phòng Quản lý đô thị, Tài chính - Kế toán… Mọi người miệt mài cho đến lúc nắng lên cao. Mệt, nhưng nhìn những vạt hoa làm thay đổi diện mạo triền đê, ai cũng phấn khởi” - ông Phúc chia sẻ.

Trao đổi về điều này, ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp cho biết thêm, kể từ khi tuyến đê được cải tạo, nhân dân xã rất mừng. Xã không phải bỏ ra một đồng chi phí nào trong công tác cải tạo, trồng cây. Hoa thanh thảo, ngũ sắc dễ trồng. Cũng nhờ việc cải tạo ấy mà không còn cảnh đổ rác thải, phế thải xây dựng.

Khi các phòng ban chức năng của huyện đảm nhận việc chăm sóc trên triền đê thì ở dốc Đồng Trì, có diện tích khoảng 2.500m2, xã đã kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Cứ ngày cuối tuần, các đoàn thể của xã như cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên trồng hoa, làm cỏ, cải tạo đất.

“Diện tích 2.500m2 ấy, được trồng chủ yếu là hoa thanh thảo, nên đến giờ khi cây đã lên tốt, trổ một màu tím sắc hoa” - ông Doanh nói. Việc chăm sóc hoa trên triền đê được giao cho công ty vệ sinh môi trường đóng trên địa bàn huyện. Còn diện tích của xã quản lý thì mỗi tuần một lần là các hội đoàn thể trong xã đảm nhiệm.

Anh Đinh Công Hòa, lái xe, chuyên chở rau sạch từ các xã Duyên Hà, Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho biết, không chỉ người dân mà cả cánh lái xe, những người tham gia giao thông hằng ngày qua đây đều phấn khởi. Tuyến đê không những được cải tạo sạch đẹp, mà qua đó còn cải thiện đáng kể môi trường, giảm bụi bẩn cuốn lên khi xe tải lớn đi qua.

Hiện tại, theo ông Doanh, phong trào vệ sinh môi trường đã thúc đẩy ý thức tự giác của người dân trong việc tham gia tổng vệ sinh môi trường gắn với cải tạo, chăm sóc hệ thống hoa, cây xanh trên địa bàn xã, từ đó góp phần thay đổi diện mạo của các thôn, tổ dân phố về sáng - xanh - sạch - đẹp một cách toàn diện và hiệu quả lâu dài. Trong công tác triển khai thực hiện, một số thôn duy trì và đạt kết quả tốt như: Đồng Trì, Văn Điển, Cổ Điển A và chắc chắn mô hình này sẽ còn được nhân rộng trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Thanh Hải