Khẩn cấp ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
Đời sống - Ngày đăng : 11:23, 22/11/2018
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay, khu vực dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão có khu vực neo đậu chưa đáp ứng số lượng tàu thuyền cần neo đậu; có nhiều lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; 25km bờ biển đang bị sạt lở; 622km đê chỉ chống được bão cấp 9; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở do hoàn lưu bão số 8 nhưng chưa khắc phục xong…
Về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 7h sáng nay (22-11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất cấp 7 và tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây. Tối nay, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và tăng cường độ, di chuyển chậm hơn khi gần bờ. Dự báo trong 3 ngày tới, vùng tâm bão sẽ ảnh hưởng là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Kết hợp với không khí lạnh, bão sẽ gây mưa lớn từ các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Nam Tây Nguyên. “Cơn bão này có cường độ mạnh hơn, gây mưa lớn hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với cơn bão số 12 (Damrey) năm 2017”… ông Hoàng Đức Cường so sánh.
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển đã thông báo cho các tàu thuyền, kiểm đếm phương tiện, duy trì lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão… Tổng cục Thủy sản cho biết hiện nay tất cả các tàu cá đã vào khu tránh trú an toàn. Tuy nhiên, tại khu vực dự kiến bão đổ bộ còn hơn 45.000 lồng bè nuôi tôm hùm, hơn 6.000 lồng bè nuôi cá, nhuyễn thể…
Đại diện các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… cho biết đang tập trung triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão: Kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn; vận động các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển di chuyển người và tài sản lên bờ; lập phương án sẵn sàng di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; bố trí lực lượng chốt chặn, cảnh báo nhân dân đi qua các ngầm tràn; rà soát phương án vận hành, bảo vệ an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định đây là áp thấp nhiệt đới rất nguy hiểm, có khả năng mạnh lên thành bão đổ bộ vào khu vực rất dễ bị tổn thương: Nhiều năm không xảy ra bão lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế trên biển rất lớn và đang phải khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 8… Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương rà soát phương án ứng phó trên tinh thần “4 tại chỗ”; phải bảo đảm an toàn cho nhân dân trên biển, kiên quyết không để ngư dân trên biển, sắp xếp an toàn tàu thuyền nơi neo đậu; bảo đảm an toàn cho khách du lịch; đặc biệt quan tâm bảo đảm tàu thuyền vãng lai; kịp thời triển khai phương án sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; căn cứ diễn biến thực tế có thể cấm tàu thuyền ra khơi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây vừa là cơ hội tăng nguồn nước cho các hồ chứa, phục vụ chống hạn sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, tích nước phát điện trong mùa khô nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro cho vùng hạ du nếu không kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Nhận định thời tiết trong những ngày tới rất nguy hiểm, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn trên biển: Không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi xảy ra mưa bão; đồng thời, bảo đảm an toàn cho người dân trên đất liền: Chủ động di dời người dân ra khỏi nhà yếu, vùng ngập úng, có nguy cơ sạt lở đất, nhà ở gần công trình không an toàn. Các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra phương án vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ du, nguồn nước phục vụ sản xuất; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn…