Nêu gương ngay từ học nghị quyết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 24/11/2018
Trực tiếp làm báo cáo viên tại hội nghị là những đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng được Bộ Chính trị giao trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia trong quá trình xây dựng các đề án để trình ra Ban Chấp hành Trung ương. Bởi thế, có thể thấy đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu có tầm quan trọng đặc biệt.
Triển khai trên diện rộng, những vấn đề quan trọng mà Hội nghị Trung ương 8 thông qua đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Đặc biệt là nội dung trong Quy định số 08-QĐi/TƯ; hay như quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh... là những vấn đề có sức hút lớn với hầu hết mọi thành phần trong xã hội. Trong đó, với mục đích đưa nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, những vị trí chủ chốt ở các cấp, ngành, quy định này sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã đề cập đến những vấn đề được đông đảo người dân trông chờ. Nhưng, “Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít” như lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (ngày 19-4-2016) là điều không đơn giản.
Tuyên truyền vẫn là chủ đạo, nhưng không đơn giản chỉ là mở các lớp học nghị quyết mà quan trọng hơn là phải có cách làm để mọi người hiểu sâu, nắm rõ. Quá trình học tập, quán triệt nội dung nghị quyết phải không ngừng được đổi mới, đề cao tính thực chất, học để triển khai thành hành động, biến thành công việc cụ thể áp dụng trong cuộc sống. Mỗi cá nhân cũng phải chủ động tự nghiên cứu, trao đổi và thảo luận để có chương trình, kế hoạch thực hiện thiết thực. Cần nêu gương ngay từ chính việc học tập có chất lượng nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt, các cấp, ngành cần thay đổi tư duy, kiên quyết xóa bỏ việc học mang tính hình thức để tránh nguy cơ nghị quyết "trên mây" hoặc sẽ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”...
Nghị quyết dù đúng và hay đến mấy nhưng nếu không được cụ thể hóa hiệu quả cũng chỉ nằm trên giấy. Vì vậy, sau khi học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp... cần khẩn trương thể chế hóa nghị quyết, xác định những việc làm ngay. Điều quan trọng nhất là cụ thể hóa nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương, đơn vị bảo đảm hiệu quả.
Với Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 107-KH/TU về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng. Theo đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo và tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các nội dung Hội nghị Trung ương 8 của Đảng bằng hình thức phù hợp và thường xuyên như gắn với việc đánh giá thi đua hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Nghị quyết của Đảng là kết tinh từ nghiên cứu lý luận và chắt lọc từ thực tiễn. Để nghị quyết đóng góp tốt cho quá trình phát triển, rất cần sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những cán bộ chủ chốt các cấp. Làm được điều đó cũng là đang thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII). Đây cũng chính là điều được mọi tầng lớp nhân dân đang tin tưởng và có kỳ vọng lớn khi nghị quyết đi vào cuộc sống.