Còn vướng mắc trong thi hành án dân sự

Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 24/11/2018

(HNM) - Năm 2018, tổng số việc thi hành án dân sự phải thực hiện là hơn 900.000 việc. Trong đó, số đã thi hành xong là hơn 570.000 việc, với hơn 34.520 tỷ đồng.


Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Điển hình là, từ ngày 1-8-2018 thống nhất triển khai, vận hành phần mềm quản lý thi hành án dân sự trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận chức năng, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động này. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Năm 2018, tổng số việc thi hành án dân sự phải thực hiện là hơn 900.000 việc, trong đó số có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 77,89%; số đã thi hành xong là hơn 570.000 việc, đạt 80,30%. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 178.628 tỷ đồng, với hơn 90.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 51,28%, nhưng các cơ quan thi hành án mới thi hành xong hơn 34.520 tỷ đồng, đạt 38,35%.

Theo ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, đối với những vụ đại án về kinh tế, tham nhũng, công tác thi hành án đang gặp nhiều khó khăn do trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có. Cụ thể, trong năm 2018, cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra xét xử, thi hành án vụ án Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn… đều có số lượng tiền phải thi hành án, thu hồi từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng ông Đinh La Thăng phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng trong tổng số hơn 800 tỷ đồng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị mất khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Tuy nhiên, hiện nay mới xác định được tài sản có thể thi hành án là 2 căn hộ chung cư.

“Hay như vụ Hà Văn Thắm đã kê biên hơn 300 triệu cổ phiếu. Song, bán cổ phiếu theo kênh nào, bán theo thỏa thuận hay khớp lệnh... chưa có hướng dẫn, dẫn đến mất thời gian thi hành. Chỉ sơ suất là thất thoát tài sản ngay”, ông Lê Xuân Hồng dẫn chứng. Từ những ví dụ trên, ông Lê Xuân Hồng kiến nghị, trong các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương - nơi có tài sản cần thu hồi.

Về thể chế, Tổng cục Thi hành án dân sự nêu quan điểm, cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân đang trong quá trình hoàn thiện. Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc tín dụng gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá; không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, nhất là nhà và đất.

Cùng với đó, pháp luật hiện hành chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nộp án phí để thu cho ngân sách nhà nước, trong hỗ trợ tiền thuê nhà cho người phải thi hành án (trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất)... Điều gây khó khăn, vướng mắc nữa trong công tác thi hành án dân sự đó là, còn 20 đơn vị chưa có trụ sở làm việc và 504 đơn vị chưa có kho vật chứng. Đây là những vấn đề cần sớm được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành xử lý triệt để, để công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là án tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả cao hơn.

Hà Phong