Hoàn thành công tác ứng phó bão số 9 trước 16 giờ ngày 24-11

Đời sống - Ngày đăng : 15:14, 24/11/2018

Sáng 24-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 9.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với bão, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị tất cả các công tác ứng phó với bão số 9, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 24-11.

Ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu tránh bão phía bên trong cửa sông Cái Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN


Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, theo dự báo, bão vẫn có xu hướng ảnh hưởng rộng tới các tỉnh phía Nam gây mưa lớn kèm theo các hiện tượng dông, lốc. Do đó, các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; xử lý kịp thời sự cố đối với các tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với bão, mưa lũ.

Bên cạnh đó, hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh tăng cường sẽ gây mưa lớn mở rộng tại các địa phương khu vực Trung Trung Bộ. Vì thế, Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải đặc biệt chú ý đến công tác vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du và đề phòng nguy cơ ngập úng, sạt lở đất; rà soát các phương án ứng phó và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ khi các hồ xả lũ trong trường hợp xảy ra mưa lớn cục bộ xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ- cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, biên phòng các địa phương ven biển đã tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân chằng chống nhà cửa, vận động các chủ hộ lồng bè nuôi thủy sản vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tính đến 6 giờ ngày 24-11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.645 phương tiện/331.617 người, các phương tiện đang neo đậu tại bến và hoạt động trên các vùng biển khác, hiện không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi bão số 9 cập bờ ở cấp 7 cấp 8, gió giật cấp 10. Vùng gió mạnh của bão số 9 từ Bình Thuận- Bến Tre. Bão số 9 đang có xu hướng dịch xuống phía Nam. Bão gây mưa lớn, cao điểm mưa lớn trong ngày và đêm 24-11. Tổng lượng mưa cả đợt này khoảng 400-500 mm. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh tăng cường vùng mưa sau khi bão đổ bộ vào đất liền có khả năng mở rộng ra từ Nam Bộ tới Trung Trung Bộ (đặc biệt là Quảng Trị). Ngoài ra cần lưu ý đề phòng thời điểm trước khi bão đổ bộ vào có nguy cơ xuất hiện lốc xoáy ở một số địa phương khu vực Nam Bộ.

Hiện đã có 6 tỉnh ban hành lệnh cấm biển, gồm: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh; 4 tỉnh, thành phố có phương án, thời điểm cụ thể hoàn thành việc sơ tán dân cư: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN