Chủ động thay đổi, tăng cường hợp tác
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 25/11/2018
Nắm giữ hình ảnh, tư liệu, hiện vật, thậm chí là bảo vật quốc gia phản ánh chiều dài lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như phong tục, tập quán không thể hòa lẫn của một dân tộc, một địa phương, bảo tàng cũng là đối tượng được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá những miền đất mới.
Chính giá trị của di tích cũng như đặc điểm hoạt động, cơ sở tồn tại phụ thuộc một phần quan trọng vào lượng khách tham quan cho thấy cả hai "địa hạt" này không thể không thiết lập mối quan hệ hợp tác với du lịch. Mặt khác, ngành du lịch mỗi quốc gia sẽ chỉ tạo được nét riêng độc đáo trong hấp dẫn khách khi dựa vào các di tích và bảo tàng để đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Tại Hà Nội, mối quan hệ tương hỗ giữa các thiết chế văn hóa - trong đó có các di tích, bảo tàng và du lịch cần được làm sâu sắc thêm trên cơ sở mục tiêu đáp ứng mà cả hai cùng hướng tới là du khách - khách tham quan. Về lý thuyết, có cơ sở để tin vào hiệu quả hợp tác bởi tại Thủ đô có lượng di tích đồ sộ cùng hệ thống bảo tàng cấp trung ương, thành phố, ngành vô cùng phong phú. Trong số này, nhiều bảo tàng đã được du khách trong và ngoài nước biết tiếng, như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Tuy vậy, trong thực tế, mối quan hệ cộng sinh đó chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Thường xuất hiện lời phàn nàn từ phía các doanh nghiệp lữ hành khi đề cập đến sự nghèo nàn của không ít di tích và một số bảo tàng với ý nghĩa điểm đến du lịch.
Sự hạn chế được chỉ ra, liên quan đến cách trưng bày cũ kỹ, thụ động, hạn chế về khả năng của thuyết minh viên, phương tiện hỗ trợ, chất lượng dịch vụ thiết yếu cũng như sản phẩm lưu niệm… Đó còn là chưa phát huy hết thế mạnh của di tích, vật phẩm trưng bày gắn với những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu sức hấp dẫn.
Yêu cầu đổi mới hoạt động để tạo sức hút du khách vì thế là cấp thiết!
Trước hết, các bảo tàng, di tích cần những tìm tòi, sáng kiến đổi mới phương thức hoạt động dựa trên xu hướng tham quan, nhu cầu của khách, nhất là khi nhu cầu của khách đã có sự thay đổi, ngày càng rõ ý tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thay vì “đến - nghe, xem rồi về”. Điều đó đồng nghĩa với sự cần thiết “bổ sung” chức năng của bảo tàng, di tích, thêm yếu tố giải trí vào những gì đã có - chức năng nghiên cứu khoa học và chức năng giáo dục. Tổ chức các chương trình, hoạt động có tính tương tác cao; đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, thuyết minh cũng như tổ chức dịch vụ liên quan đủ để đáp ứng nhu cầu của khách. Cùng với đó, cần chủ động phối hợp với ngành Du lịch xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh, thiết lập tour và chủ động cung cấp thông tin về chương trình, hoạt động một cách căn cơ, bài bản.
Phát huy tiềm năng của di tích, bảo tàng phụ thuộc vào khả năng tự hoàn thiện dựa trên nhu cầu thị trường, sự nỗ lực của các chủ thể cùng tham gia. Bởi vậy, trong mối quan hệ hợp tác giữa di tích, bảo tàng và du lịch, mỗi bên cần phải lắng nghe ý kiến của nhau, trên cơ sở đó xác định chính xác phương hướng hành động. Hiệu quả sẽ không tới nếu chỉ có một bên tự vận động.
Chủ động thay đổi, tăng cường hợp tác - ấy là cách gắn kết bền lâu để "cùng thắng"!