Chuyện ăn uống tại Đại hội Thể thao toàn quốc - 2018
Thể thao - Ngày đăng : 07:28, 25/11/2018
Các vận động viên bóng rổ Hà Nội lựa chọn ăn ngay tại khách sạn trong thời gian thi đấu ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - 2018. |
Không để uổng phí cơ hội
Vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra 4 năm một lần là cơ hội để các tỉnh, thành, ngành đánh giá chính xác sự đầu tư cho thể thao thành tích cao. Vì vậy, khâu chuẩn bị luôn được chú trọng. Tuy nhiên, từng ấy vẫn chưa đủ. Trong quá trình tham dự đại hội, việc để vận động viên luôn đạt thể trạng tốt nhất cũng được chú trọng không kém. Theo đó, lãnh đạo các đoàn luôn phải chú ý để vận động viên không bị ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa. Bởi, nếu gặp phải trường hợp này, vận động viên sẽ không đạt phong độ tốt nhất, thậm chí không thể thi đấu. Lúc đó, công sức tập luyện sẽ "trôi sông". Như nhiều huấn luyện viên và vận động viên - trong đó có phụ trách bộ môn bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên chia sẻ, nếu vận động viên không thể thi đấu vì chấn thương thì còn tặc lưỡi chấp nhận. Nhưng nếu vì các vấn đề về tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm thì thật khó chấp nhận.
Như những đại hội trước, đại hội kỳ này không có làng vận động viên. Vì vậy, các đoàn tham dự đều chọn lưu trú gần địa điểm thi đấu để di chuyển thuận lợi, tiết kiệm thời gian, thậm chí giúp vận động viên tránh say xe. Không chỉ các đoàn ở tỉnh ngoài mà nhiều đội tuyển của Hà Nội cũng thuê nơi lưu trú gần địa điểm thi đấu thay vì tập trung ăn nghỉ ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Như đội bóng chuyền Hà Nội phải chọn nơi lưu trú ở thị trấn Trâu Quỳ, gần Nhà thi đấu Gia Lâm - địa điểm thi đấu môn bóng chuyền trong nhà. Hay đội bóng rổ Hà Nội lưu trú ở khách sạn A25 Bạch Mai để tiện đến Nhà thi đấu Đại học Bách khoa Hà Nội… Đấy là lựa chọn không thể khác nhằm tránh cảnh tắc đường từ khu vực Mỹ Đình tới các địa điểm thi đấu.
Việc thuê nhiều địa điểm lưu trú, rồi kinh phí tham dự khác nhau cũng khiến nhiều đoàn lựa chọn địa điểm ăn uống khác nhau. Như đoàn TP Hồ Chí Minh đã lo chỗ ăn ngay tại khách sạn mà các đội đóng quân. Đội bóng rổ Hà Nội cũng chọn ăn ngay tại khách sạn. Theo lãnh đội Đào Văn Kiên, đây là giải pháp tối ưu để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm. Tất nhiên, mức tiền ăn của đội là 120 nghìn đồng/người/bữa cũng không rẻ nếu so với kinh phí của nhiều đoàn. Nhiều đoàn khác chỉ thu xếp được mức ăn bằng phân nửa đội bóng rổ Hà Nội nên phải tìm các hàng quán gần nơi lưu trú. Như đội bi sắt của Bà Rịa - Vũng Tàu tìm được một quán cơm gần khách sạn ở khu vực Mỹ Đình. Nhưng trước khi quyết định chọn ăn ở đó, các huấn luyện viên của đội đã trực tiếp thị sát kỹ lưỡng bếp ăn của quán rồi mới đưa vận động viên vào ăn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Có một thực tế, việc các đoàn về dự đại hội phải ở rải rác đã khiến khâu kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho các vận động viên gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, chính các đoàn phải tìm ra giải pháp “tự vệ” riêng. Từng đưa vận động viên đi thi đấu liên tục ở tỉnh ngoài nên các huấn luyện viên cũng không thiếu kinh nghiệm trong việc chọn nơi ăn chốn ở. Theo các huấn luyện viên, ngoài việc tự đến quán để giám sát cách vận hành bếp ăn, kiểm tra giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm của quán thì sự phản ánh của vận động viên cũng là kênh thông tin quan trọng. Chỉ cần vận động viên có ý kiến nghi ngại về chất lượng thực phẩm là huấn luyện viên phải tìm ngay địa chỉ ăn uống khác cho vận động viên.
Dẫu vậy, vẫn không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát các địa điểm phục vụ ăn uống cho các đoàn tham dự đại hội của Ban Tổ chức địa phương. Ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho hay: “Hầu hết các đội tham dự môn bóng chuyền trong nhà của đại hội đều lựa chọn lưu trú ở khu vực thị trấn Trâu Quỳ. Dù đây là địa bàn luôn bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng UBND huyện, Ban Tổ chức địa phương môn bóng chuyền trong nhà vẫn chủ động kiểm tra khâu vệ sinh an toàn thực phẩm của các nơi lưu trú có phục vụ ăn cho các đoàn. Ngoài ra, khi các đoàn chọn ăn ở cơ sở ăn uống nào trong quá trình dự đại hội có thể báo địa chỉ để Ban Tổ chức địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát bếp ăn ở đó. Điều này sẽ giúp các đoàn yên tâm với khâu hậu cần, qua đó thi đấu đạt thành tích tốt nhất”. Cũng theo UBND huyện Gia Lâm, các hàng quán phục vụ ăn uống gần Nhà thi đấu Gia Lâm cũng sẽ được giám sát để không chỉ các đội mà ngay cả khán giả cũng yên tâm khi sử dụng dịch vụ tại đây.
Cách làm của huyện Gia Lâm là ví dụ về sự chủ động trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp đại hội này. Tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội có địa điểm thi đấu của đại hội, việc này cũng đã được phân vai rõ cho ngành Y tế. Vấn đề còn lại là sự chủ động kiểm tra, giám sát của Ban Tổ chức các địa phương để không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào liên quan đến thực phẩm, qua đó góp phần vào thành công của đại hội.