Thủ tướng Tây Ban Nha thăm Cuba: Bước tiến lịch sử

Thế giới - Ngày đăng : 07:45, 25/11/2018

(HNM) - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vừa kết thúc chuyến công du Cuba kéo dài hai ngày, với sứ mệnh bình thường hóa, ổn định và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ giữa Madrid và La Habana.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez.


Đảo quốc Caribe là thuộc địa cuối cùng của Tây Ban Nha giành được độc lập vào năm 1898. Kể từ sau mốc lịch sử này, trong hơn một thế kỷ qua, quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm. Đỉnh điểm căng thẳng là vào năm 1996, khi Chính phủ Tây Ban Nha dưới thời Thủ tướng Jose Maria Azna ủng hộ lập trường chung của châu Âu, đặt vấn đề cải thiện quyền con người ở Cuba làm điều kiện cho mọi đối thoại với La Habana.

Đây cũng là giai đoạn Cuba đóng cửa Trung tâm Văn hóa Tây Ban Nha vì những bất đồng giữa hai nước. Tuy nhiên, tình hình chung đã có cải thiện sau tháng 11-2017, khi thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cuba có hiệu lực. Động thái này cũng là tiền đề quan trọng cho những bước tiến trong quan hệ giữa hòn đảo tự do và nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter về cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez khẳng định, quan hệ giữa Cuba và Tây Ban Nha đang được củng cố tích cực. Đặc biệt, cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai bên diễn ra thân thiện, cho thấy bước ngoặt trong quan điểm của Madrid về quan hệ với đảo quốc Caribe. Trong khi đó, Phát ngôn viên Chính phủ Tây Ban Nha Isabel Cela cũng tuyên bố chuyến thăm lần này là chuyến công du quan trọng của Thủ tướng P.Sanchez, đồng thời nhấn mạnh Madrid sẽ là cầu nối cho quan hệ giữa Cuba và EU.

Theo giới quan sát, cuộc gặp lần này diễn ra vào thời điểm hết sức lý tưởng. Về phần mình, Madrid muốn tận dụng bầu không khí hòa giải mà cuộc đối thoại chính trị giữa EU và Cuba mang lại. Hiện nay, EU muốn tăng cường các mối quan hệ với Cuba và lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định đảo ngược chính sách hòa dịu của người tiền nhiệm Barack Obama đối với quốc đảo này.

Mặt khác, Tây Ban Nha cũng nhìn thấy những cơ hội kinh tế thực sự tại Cuba, trong bối cảnh La Habana sắp thông qua Hiến pháp mới, qua đó công nhận vai trò của kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Là đối tác thương mại lớn thứ ba của Cuba sau Trung Quốc và Venezuela, với trao đổi thương mại lên tới 1,3 tỷ USD năm 2017, Tây Ban Nha đang dần tiến tới vị trí thứ hai. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế hai bên được cho là vẫn chưa xứng với tiềm năng, bởi trong khoảng 300 doanh nghiệp Tây Ban Nha đã đầu tư kinh doanh tại Cuba, phần lớn đều có quy mô vừa và nhỏ, đồng thời mới chủ yếu tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Trong khi đó, với mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,1% trong nửa đầu năm 2018, Cuba hiện cũng rất cần các nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn, sau khi đối tác chủ lực Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế. Do vậy, khi hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên, không ngạc nhiên khi hàng loạt những tiền đề quan trọng cho các dự án kinh tế đã được xác lập trong chuyến đi của Thủ tướng P.Sanchez. Hai bên cũng đã thành lập ủy ban hợp tác song phương với lịch gặp gỡ thường xuyên và thông qua thỏa thuận cho phép bình thường hóa việc chia sẻ văn hóa Tây Ban Nha tại Cuba và ngược lại.

Chuyến đi mang tính lịch sử của Thủ tướng P.Sanchez đã mở ra một chương tươi sáng trong quan hệ giữa Tây Ban Nha và Cuba, gợi mở những thời cơ mới cùng nhiều cơ hội hợp tác đầy triển vọng giữa hai quốc gia vốn có nhiều nét tương đồng về văn hóa này.

Hoàng Linh