Giảm nguy cơ tai nạn lao động: Tăng cường kiểm tra, chủ động phòng ngừa

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 25/11/2018

(HNM) - Nguyên nhân sâu xa của những vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây xuất phát từ thái độ chủ quan, lơ là của người lao động, từ việc thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Nâng cao ý thức về an toàn lao động giúp người lao động tránh được những tai nạn, rủi ro. Ảnh: Sơn Hà


Hiểm họa không từ “trên trời” rơi xuống

Gần hai tháng qua, ông Nguyễn Hùng Cường, trú tại số nhà 147 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc thoát chết trong gang tấc. Ông kể, khoảng 18h ngày 27-9, ông cùng nhiều người khác đang đi trên đường Lê Văn Lương, địa phận phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) thì bất ngờ có vật gì đó rơi xuống sau xe, quật mạnh làm ông bị ngã bất tỉnh. Khi tỉnh tại, ông Cường được những người xung quanh cho biết mình vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần, còn người phụ nữ đi cùng chiều với ông đã tử vong do bị khung sắt từ công trình xây dựng bên đường rơi trúng đầu.

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này đã được các cơ quan chức năng xác định là do cần trục của sàn nâng người chuyên dụng trên cao bị tuột ra khỏi bộ phận đối trọng và rơi xuống đường đúng giờ tan tầm. “Hiểm họa không phải từ trên trời rơi xuống, mà do ý thức của con người gây ra. Giá như công nhân vận hành thiết bị xây dựng cẩn trọng hơn, đơn vị thi công chú ý bảo đảm an toàn lao động hơn, tôi tin vụ tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra”, ông Nguyễn Hùng Cường bày tỏ.

Trước đó, trên địa bàn TP Hà Nội cũng xảy ra một số vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng do các bên liên quan thiếu kiến thức hoặc chủ quan, lơ là. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), 3 nạn nhân (2 người chết, 1 người bị thương) của vụ tai nạn xảy ra tại cụm 9, xã Hồng Hà (Đan Phượng) ngày 8-9 đều là thợ xây tự do, không có bằng cấp, chứng chỉ làm nghề xây dựng. Trong quá trình xây nhà, những nạn nhân này sử dụng giàn giáo tự chế để thi công. Kết cấu không bảo đảm độ chắc chắn khiến giàn giáo tự chế đổ sập, các nạn nhân bị rơi từ tầng 2 xuống đất...

Ngoài những vụ việc nghiêm trọng nêu trên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra hơn 300 vụ tai nạn lao động, làm hơn 100 người chết và bị thương. “Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Hà Nội đang trong quá trình phát triển, có nhiều công trình xây dựng đang thi công, nên nguy cơ tai nạn lao động luôn tiềm ẩn, không thể chủ quan, lơ là”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.

Nỗ lực giảm thiểu nguy cơ

Việc trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn lao động. Ảnh: Viết Thành


Nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên phạm vi rộng. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, UBND thành phố yêu cầu những đơn vị này rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc…

Qua kiểm tra thực tế, các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 50 đơn vị chưa nghiêm túc thực thi quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Có thể kể đến như Công ty TNHH Phát triển phần mềm Toshiba bị phạt 35 triệu đồng vào ngày 5-11 do không tổ chức huấn luyện an toàn lao động; Công ty TNHH Nghệ thuật đá tự nhiên Tempus bị phạt 7 triệu đồng vào ngày 25-10 do không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc… Ngoài ra, TP Hà Nội còn tổ chức các diễn đàn đối thoại với người lao động về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; mở nhiều lớp tập huấn nâng cao an toàn, vệ sinh lao động cho đại diện doanh nghiệp, người lao động...

Mặc dù đã nỗ lực phòng ngừa, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn Hà Nội vẫn khó kiểm soát vì toàn thành phố có gần 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi lực lượng thanh tra mỏng, không thể kiểm soát hết. Hơn nữa, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động còn nhẹ, một số vụ tai nạn gây chết người chưa được xử lý nghiêm khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng đầu tư trang thiết bị bảo đảm an toàn.

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, muốn giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động phải kết hợp đồng bộ hai giải pháp: Tăng cường kiểm tra và chủ động phòng ngừa. Đồng thời, đề nghị các quận, huyện, thị xã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động… Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm phải bị xử phạt nặng hơn.

Minh Ngọc