Gần 7.000 loại thực phẩm chức năng lưu hành, vẫn lo thiếu sản phẩm... tốt
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:09, 26/11/2018
Hội nghị khoa học quốc tế về TPCN lần thứ 2 có sự tham gia của 350 đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Mỹ, Đức, Nhật, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị |
Phong phú, đa dạng đi đôi với... vi phạm
Theo PGS, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nhu cầu sử dụng TPCN liên tục tăng. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm lưu hành.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) góp phần làm thị trường chăm sóc sức khỏe nhân dân phong phú, bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, shop online...
Tuy nhiên, theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cùng với sự xuất hiện đa dạng, phong phú TPCN là những vẫn đề liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định; sản xuất không đúng với giấy phép đăng ký, ghi nhãn quá sự thật, sản xuất khi chưa đăng ký...
Các số liệu đưa ra tại hội nghị cho thấy, số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng. Nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15,5 người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh, thành.
"Nhiều người đã tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng, khi đó mới tới các cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh" - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu lên thực trạng.
Trên cơ sở đó, ông Trương Quốc Cường đề nghị các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ thêm các kiến thức và kinh nghiệm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng để có những sản phẩm tốt, hữu ích vì sức khỏe cộng đồng.
Triển khai quyết liệt quản lý TPCN
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, để tạo môi trường cho doanh nghiệp tốt phát triển, thời gian tới Chính phủ cũng như các bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực phẩm chức năng được quản lý chặt chẽ vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt, việc quản lý TPCN sẽ tiếp tục được quan tâm với phương thức quản lý hiện đại, chính sách quản lý vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế. Công tác quản lý hướng tới mục tiêu xây dựng ngành TPCN Việt Nam trở thành ngành kinh tế-y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận định, Việt Nam là nước nhiệt đới với nhiều nguồn nguyên liệu tự nhiên, nên cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực TPCN, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt, chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng ngành thực phẩm chức năng bền vững và phát triển tiến bộ. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học cũng liên quan mật thiết với quy định quản lý an toàn TPCN, vì các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở, bằng chứng khoa học trong công bố công dụng của sản phẩm, là căn cứ để các nhà quản lý cho phép công bố sản phẩm và quản lý việc quảng cáo đúng chức năng, công dụng thực tế của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người dùng và sử dụng sai mục đích, tốn kém và làm mất cơ hội điều trị.
Tại hội nghị, 15 tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế tập chung vào các vấn đề liên quan đến TPCN Việt Nam và quốc tế như báo cáo thành tựu khoa học - công nghệ, các kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng trong lĩnh vực TPCN; định hướng nghiên cứu phát triển TPCN ở Việt Nam; giới thiệu các công trình nghiên cứu về TPCN và các lĩnh vực liên quan của các đơn vị, hướng tới phát triển ngành TPCN bền vững vì sức khỏe cộng đồng và xây dựng ngành TPCN Việt Nam trở thành ngành kinh tế đem lại hiệu quả cao.