Còn nhiều việc phải làm
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 26/11/2018
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ
Chỉ trong một tuần (từ ngày 15 đến 22-11), vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ và 3 giáo viên phải nhập viện đã được làm sáng tỏ, truy cứu rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Nộn bị tạm đình chỉ công tác.
Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nguyên Cát (địa chỉ Phố Và, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh) - đơn vị cung cấp bánh ngọt nhiễm khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc - bị rút khỏi danh sách các cơ sở cung cấp thực phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh. Ngoài ra, công ty này còn phải chịu xử phạt và bồi thường toàn bộ những tổn thất cả vật chất và tinh thần cho các trường hợp bị ngộ độc…
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước đây, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhưng với Nghị định 115/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 115), hầu hết các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đều bị xử phạt tăng từ 2 đến 3 lần. Có những hành vi mức xử phạt tăng gấp từ 7 đến 10 lần.
Ngoài ra, nghị định còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí xử lý ngộ độc thực phẩm…
Và vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Mầm non Xuân Nộn là vụ việc điển hình cho thấy sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành từ thành phố tới địa phương, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là khi thực thi Nghị định 115.
Không chỉ bếp ăn tập thể mà tại các nhà hàng, quán ăn, thức ăn đường phố, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo Nghị định 115 cũng đã được tăng cường. Bà Nguyễn Thị Lợi, Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm cho biết, với đặc thù đông dân cư, tập trung gần 2.800 cơ sở sản xuất, huyện đã thành lập 32 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.
Trong hơn 10 tháng năm 2018, cơ quan chức năng cấp huyện đã kiểm tra 155/182 cơ sở (đạt 85%), phát hiện 21 cơ sở vi phạm, trong đó 2 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 14 cơ sở bị xử phạt hành chính. Cấp xã cũng đã kiểm tra 732/804 cơ sở (đạt 91%), phát hiện 157 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 7 cơ sở, cảnh cáo 12 cơ sở, nhắc nhở 138 cơ sở.
“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 115, đặc biệt là tập trung kiểm tra việc dùng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay…”, bà Nguyễn Thị Lợi nói.
Đánh giá sau hơn 1 tháng Nghị định 115 có hiệu lực, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho rằng, ở đâu lực lượng chức năng có trách nhiệm, thực hiện quyết liệt thì ở đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiến triển rõ nét. Việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thế nhưng, khi áp dụng với những gánh hàng rong, nhất là áp dụng mức phạt tiền 500.000-1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… lại không đơn giản. Thêm vào đó, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra...
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Chung cho rằng, trên thực tế, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở, nhất là tuyến xã, phường còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo xã, phường chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, chưa nắm chắc quy định liên quan tới quản lý an toàn thực phẩm, do đó, hoạt động quản lý mới chỉ thực hiện tốt ở khâu tuyên truyền, còn các phần việc khác như bố trí nhân lực kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi và xử lý vi phạm… đều gặp nhiều khó khăn.
Kênh giám sát lớn nhất là người tiêu dùng
|
Theo ông Trần Ngọc Tụ, việc áp dụng Nghị định 115 hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phải hợp tình, hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục, khẩu phục. Vì vậy, trước mắt phải tuyên truyền cho người kinh doanh biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để dần thay đổi hành vi…
Còn ông Trần Văn Chung cho rằng, tới đây, trong công tác thanh tra, kiểm tra, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm cũng được tăng cường. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, điều quan trọng chính là ý thức của cả người bán và người mua, nói không với những điểm bán hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi dù lực lượng thanh tra, kiểm tra có nhiều cũng khó có thể kiểm soát được hết nếu các chủ cửa hàng vẫn cố tình vi phạm.
Vì thế, kênh giám sát lớn nhất, hiệu quả nhất chính là người dân. Người dân khi phát hiện các sai phạm, thông tin đến cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý cũng là tự bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, siết chặt quản lý tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.
Thành phố quyết tâm kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, tuy nhiên, việc kiểm soát phụ thuộc vào mỗi xã, phường, thị trấn. Nếu địa phương không vào cuộc hoặc vào cuộc chưa nghiêm, thì khó bề kiểm soát.