Bắt đầu từ ý thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 27/11/2018
Thế nhưng thời tiết chỉ là yếu tố nguy cơ cao xảy cháy, còn nguyên nhân trực tiếp của các vụ cháy vẫn thường do chính con người bất cẩn gây ra. Đó là thói quen đốt dọn lớp thực bì để canh tác, đốt lửa sưởi ấm, đốt ong lấy mật, thậm chí là chỉ do một đầu mẩu thuốc vứt ẩu... Hiện tại đang vào mùa khô, thảm thực bì khô nỏ có thể bắt lửa bất cứ lúc nào, nên cũng là thời gian cao điểm phải cảnh giác với cháy rừng.
Với Hà Nội, rừng chủ yếu là rừng trồng, cơ cấu loài đơn giản là những cây dễ cháy như keo tai tượng, bạch đàn, thông...; thảm thực bì dưới tán dày, phát triển mạnh, độ khô nỏ cao. Chỉ một chút bất cẩn hậu quả thật khôn lường. Vì thế việc nâng cao cảnh giác để ứng phó với sự cố cháy rừng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà còn có cả trách nhiệm của mỗi người dân.
Thực tế, những năm qua, rừng của Hà Nội được bảo vệ khá tốt. Chính quyền các cấp đã tăng cường chỉ đạo bảo đảm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Tuy cháy rừng vẫn xảy ra, nhưng đều được dập tắt kịp thời nên hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng. Song, cũng không thể vì thế mà chủ quan. Cần xác định, phòng chống cháy rừng đầu tiên và chủ yếu là dựa vào ý thức của người dân.
Đáng mừng là hầu hết những người dân có cuộc sống gắn với trồng rừng đều nhận thức rõ việc bảo vệ rừng là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bởi rừng cũng là tài sản, là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, có một vấn đề là nhiều khu rừng của Hà Nội xen kẽ khu dân cư hoặc gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử - nơi thường tổ chức lễ hội. Rừng trở thành địa điểm du lịch, hành hương, dã ngoại với số lượng du khách ra vào đông lại là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.
Với phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, cùng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và chữa cháy chuyên nghiệp đang nỗ lực kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng, thì ý thức của người dân vô cùng quan trọng. Do đó, lực lượng kiểm lâm cần phối hợp với công an, quân đội, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở ý thức giữ rừng của các hộ nhận khoán trồng rừng, tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ rừng; tập huấn phương án chữa cháy. Hình thành các tổ, đội xung kích, tổ cộng đồng bảo vệ rừng với phương châm “4 tại chỗ”. Khi xảy cháy thì chính người dân sở tại sẽ là lực lượng tham gia cứu chữa nhanh nhất và hiệu quả… Bởi hơn ai hết, họ là những người quen với từng khu rừng, có mặt sớm nhất và cũng dễ dàng hiệp đồng để cùng nhau ngăn ngừa cháy rừng. Thực tế cho thấy, vùng nào tổ chức được các tổ cộng đồng, xung kích bảo vệ rừng thì khu vực đó rừng thường xuyên được bảo vệ an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chú trọng tạo sinh kế, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, đẩy mạnh việc giao rừng gắn với quyền sở hữu để người dân tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Nói cách khác là muốn bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hiệu quả cần phải dựa vào người dân, huy động sự góp sức của nhân dân, đặc biệt là người dân sống gắn bó với rừng.