Xử lý nạn tập kết, đổ trộm rác, phế thải xây dựng: Cần phương án hiệu quả hơn
Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 27/11/2018
Rác, phế thải bủa vây đường 70 phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. |
Liên tục tái diễn
Dọc theo đường Bằng Liệt (quận Hoàng Mai), cứ cách khoảng 3m lại có một đống rác, phế thải chất đống. Tình trạng này cũng xảy ra ở đường Cương Kiên, với những bãi rác, phế thải xây dựng lớn và dọc đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) tình trạng đổ đất, phế thải ngay trước biển "Cấm đổ đất, rác thải" đã trở nên quen thuộc. Theo khảo sát của phóng viên tại đường Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), tình trạng tập kết phế thải, bao tải cát, vật liệu xây dựng... diễn ra phổ biến. Tương tự, tại Dự án Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), nạn xe tải đổ trộm đất, phế thải xây dựng khiến nơi đây rất bụi bẩn, nhếch nhác.
Có hai dạng vi phạm: Thứ nhất, là tập kết rác, vôi vữa, gạch vỡ... tại các tuyến đường dân sinh. Chẳng hạn, tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), hoặc tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai)... một số hộ gia đình, cá nhân chưa tự giác chấp hành quy định. Mặt khác, do công nhân thu gom rác thải sinh hoạt không bảo đảm về số lượng nên chưa thu gom vận chuyển hết rác thải trong ngày.
Thứ hai là đổ trộm đất, phế thải xây dựng... tại các trục đường chính, đất dự án... Việc kiểm tra, xử lý, bắt quả tang rất khó khăn vì các đối tượng hoạt động tinh vi. Khi "nghe ngóng" có tổ công tác đi kiểm tra thì các đối tượng đã thông báo nhau. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, lượng chất thải rắn xây dựng thải ra trên địa bàn thành phố khoảng 3.000 tấn/ngày, lẽ ra phải đưa tới các bãi thải để chôn lấp, nhưng phần lớn được... đổ trộm.
Nhiều giải pháp nhưng... khó dứt điểm
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 1-3-2017, thành phố giao cho UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý tổng thể về môi trường. Do đó, các quận, huyện đã thực hiện các giải pháp cụ thể.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, hiện đã lắp camera tại một số tuyến đê để kịp thời xử lý hành vi đổ trộm rác, phế thải. Mặt khác, từ tháng 11-2018, quận đã ban hành quyết định phân công lãnh đạo UBND các phường chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tới từng khu vực cụ thể.
Việc lắp đặt camera giám sát được đánh giá thành công tại quận Thanh Xuân, cụ thể tại phường Kim Giang là nơi các đối tượng thường lợi dụng đổ trộm phế thải.
Biện pháp quyết liệt nhất để xử lý đối tượng này chính là mật phục. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), cứ 2 tuần, tổ công tác của phường ra quân xử lý các vi phạm, trong đó xử lý nghiêm việc tập kết và đổ trộm rác, phế thải. Đồng thời, quán triệt đơn vị thu gom rác, tránh hiện tượng tồn đọng các "chân rác" ở các ngõ, ngách; xử lý nghiêm các hộ gia đình xây dựng nhà ở chưa thực hiện tốt việc thuê xe công nông chở đất, phế thải; đổ phể thải ra ven đường đi, bờ đê... Ngoài ra, các lực lượng chức năng của phường tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm hành vi đổ trộm phế thải trên đất công, đất nông nghiệp, nhất là khu vực đê sông Nhuệ, Đại lộ Thăng Long... "Thời gian gần đây, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Nam Từ Liêm) đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét các đối tượng đổ trộm đất, rác, phế thải làm tình trạng này ở một số địa bàn có giảm, nhưng việc xử lý vẫn chưa thể dứt điểm" - Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết thêm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong quy trình cấp phép xây dựng đã quy định rõ việc xử lý nguồn rác, phế thải xây dựng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc. Ngoài số lượng được mang đi chôn lấp thì hằng ngày còn một lượng lớn chất thải bị đổ “trộm” xuống ao, hồ, bãi đất trống, thậm chí cả ở lòng, lề đường tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm... Theo ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, UBND thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tính toán giải pháp sử dụng máy nghiền chất thải xây dựng. Trong đó, Hoàng Mai là một trong 5 quận được thí điểm áp dụng công nghệ xử lý chất thải xây dựng áp dụng dây chuyền máy nghiền RM 70GO. Máy này cho phép nghiền nhỏ phế thải xây dựng như gạch vỡ, bê tông, nhựa đường... , thậm chí có thể tạo thành vật liệu phục vụ xây dựng tại chỗ cho các công trình.
Cùng với Hoàng Mai, các quận, huyện: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh được chọn làm điểm trung chuyển, đặt tạm thời máy móc, thiết bị xử lý phế thải xây dựng. Mong rằng đây sẽ là giải pháp tối ưu, góp phần đẩy lùi nạn tập kết và đổ trộm rác, phế thải xây dựng.