Thách thức về việc làm của lao động nữ
Đời sống - Ngày đăng : 11:15, 27/11/2018
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự kiến có khoảng 800 triệu lao động trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030. Nhiều công nhân lao động trực tiếp đứng máy có thể sẽ bị thay thế bằng thiết bị tự động hóa. Trước nguy cơ hiện hữu, nhiều lao động nữ đã tự trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, công nhân Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), dù nhiều năm nhận danh hiệu “Công nhân xuất sắc”, nhưng vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên. Chị luôn tìm tòi, nghiên cứu và đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng/năm cho đơn vị.
“Là người lao động trực tiếp, tôi luôn trăn trở nghĩ ra giải pháp cải tiến làm sao để năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn” - chị Ngọc Mai chia sẻ.
Xuất phát từ một công nhân, chị Nguyễn Thị Nhuần (Công ty TNHH Canon Việt Nam), sau một thời gian nỗ lực phấn đấu đã trở thành một công nhân giỏi, kiêm ca trưởng, quản lý 40 người. Song, mỗi lần công ty tổ chức hội thi nâng bậc tay nghề hay đào tạo chuyên sâu cho công nhân, chị Nhuần đều tham gia để rèn luyện tay nghề cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm. Chị còn chủ động học tiếng Anh và tiếng Nhật để có thể giao tiếp với lãnh đạo người nước ngoài và phục vụ công việc chuyên môn tốt hơn. Chị Nhuần chia sẻ: “Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi nghĩ nếu không thường xuyên học tập và nâng cao trình độ cũng như tay nghề thì việc bị đào thải là tất yếu. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học tập nâng cao kiến thức cho bản thân, tránh bị tụt hậu”.
Đây là hai trong số công nhân lao động nữ đang cố gắng phấn đấu hết mình để "bắt nhịp" với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, số này vẫn còn rất ít, nhiều lao động nữ chưa biết hoặc chưa thực sự quan tâm đến những nguy cơ hiện hữu.
Chị Nguyễn Thị Kiều, 25 tuổi là công nhân của một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long. Khi được hỏi về việc học tập, nâng cao tay nghề, chị Kiều cho rằng, công việc của mình rất đơn giản, không cần học thêm gì. Còn chị Mai Thị Hương, 27 tuổi, làm việc tại Công ty Masuo cho biết: “Mỗi ngày làm việc ở công ty từ sáng đến tối, thời gian còn lại dành cho gia đình nên tôi không có lúc nào để học nâng cao tay nghề”.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh (Học viện Phụ nữ Việt Nam), đa số lao động nữ đang làm việc ở những ngành có trình độ thấp. Yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nữ thường thấp hơn nam giới. Chị em không tự tin, không dám mạo hiểm, đối đầu với thất bại. Còn Tiến sĩ Phạm Thị Bạch Tuyết (giảng viên Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng, phần lớn lao động nữ còn thiếu kỹ năng mềm (tin học, ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo…) để có thể sẵn sàng hội nhập.
Trước thực trạng này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Công (Đại học Thương mại), lao động nữ cần được trang bị những kiến thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để từ đó tìm ra giải pháp thay đổi, ứng phó phù hợp để tránh bị đào thải.