Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2018: Cầu nối quan trọng của “ba nhà”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 27/11/2018
Đây là dịp để doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá sản phẩm nổi bật của địa phương mình, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ với Hà Nội nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng vào chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và tiến tới xuất khẩu. Điểm mới của hội chợ năm nay là sự kết hợp với triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm" với gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu ở TP Hà Nội.
Người tiêu dùng tìm hiểu đặc sản tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2018. |
Tạo sức hút đặc biệt
Đây là lần thứ 5 chương trình được tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 6 quốc gia trên thế giới, trưng bày sản phẩm tại hơn 300 gian hàng. Với ý tưởng xây dựng một không gian mang đậm bản sắc văn hóa, Hội chợ được thiết kế, mô phỏng hình ảnh các vùng, miền, khu vực và tổ chức thành các khu chuyên biệt: Khu gian hàng đặc sản thương hiệu vùng miền, khu thực phẩm, khu chợ quê... quy tụ những sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước gồm: Thủy - hải sản, chè, cà phê, hoa - quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, nhóm sản phẩm gia vị…
Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hội chợ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm việc doanh nghiệp tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, sản phẩm bày bán tại hội chợ phải được đóng gói kín, hoặc đựng trong lọ, hộp có nắp đậy...; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính... Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các ngành liên quan ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp đưa vào hội chợ sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhái nhãn mác.
Chị Phạm Thu Trà (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Các chương trình hội chợ đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức rất thu hút, tôi chưa để lỡ kỳ hội chợ nào vì các sản phẩm đặc sản rất ngon, hội chợ được bài trí theo hình ảnh các vùng, miền trong không gian lịch lãm, tạo sức hút với cả người lớn và trẻ nhỏ".
Ông Đỗ Hùng Chiêu, chủ cơ sở sơn mài mỹ nghệ Chiêu Hà (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) cho biết, thông qua hội chợ, cơ sở mong muốn tìm kiếm các nhà phân phối lớn nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô theo hướng tiện lợi và thân thiện.
Điểm mới ấn tượng
Điểm mới của hội chợ năm nay là sự kết hợp với triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm" quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu ở TP Hà Nội. Tại triển lãm, người xem được tham quan và trải nghiệm các không gian trưng bày sản phẩm như: Khu gốm sứ, khu đan móc, khu sơn mài, khu chạm khắc gỗ…
Ông Nguyễn Trọng Đức - người tham gia thực hiện mô hình ngôi nhà “đám mây” của làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tại triển lãm cho biết: “Đây là lần đầu tiên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh tham dự một triển lãm quy mô lớn như vậy với mong muốn giới thiệu những sản phẩm độc đáo của làng nghề mình đến với khách du lịch trong, ngoài nước”.
Đến với gian hàng sản phẩm sừng truyền thống của gia đình ông Nguyễn Xuân Huy (làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, Thường Tín) mới cảm nhận được nét tinh xảo trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Hà Nội. Không chỉ đơn giản là lược sừng, những sản phẩm trang sức, phụ kiện được làm từ sừng đã mang đến sự ngạc nhiên đối với không ít khách tham quan.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, các sản phẩm tại triển lãm lần này thể hiện rất rõ tính sáng tạo của các nghệ nhân. Các sản phẩm tại triển lãm không chỉ mang tính mỹ thuật, mà còn mang tính ứng dụng rất cao, có những sản phẩm rất mới, chưa từng thấy bao giờ.
Theo ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội, hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 và triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm” không chỉ góp phần tăng cường cung ứng nguồn hàng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, mà còn tạo nguồn hàng cung ứng lâu dài, ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.