Nhiều thành tựu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X
Chính trị - Ngày đăng : 09:47, 27/11/2018
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường… cùng hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội cùng 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại điểm cầu Hà Nội, dự hội nghị trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Nghị quyết Trung ương 7, khóa X là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn; trong đó nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông”... Tại triển lãm, TP Hà Nội đã mang tới những mặt hàng nông sản chủ lực, có nhiều lợi thế: Gạo, rau hữu cơ, thịt bò BBB, thịt lợn, vịt; nông sản đặc sản giá trị cao như: Phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, gà Mía Sơn Tây; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nấm kim châm của Công ty Kinoko Thanh Cao và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề... |
Báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trình bày cho biết, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết 26-NQ/TW) là nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Cụ thể, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng 26,25%, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% (năm 2017); năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao; xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại đã tiến đến khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: Lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá, hoa quả nhiệt đới... góp phần tăng trưởng GDP năm 2017 ngành Nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 năm 2018; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2018...
Lãnh đạo TP Hà Nội dự Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X. |
Tham luận tại Hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm hay như, tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương đã triển khai mô hình “hội quán” nhằm củng cố tình làng nghĩa xóm, từ đây sẽ tiến tới để các hộ liên kết trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản. Hay như tại Hà Tĩnh, chọn sản phẩm chủ lực để phát triển theo chuỗi giá trị; điều chỉnh thúc đẩy tái cơ cấu ngay trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn; quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bài học của Hà Tĩnh chính là lấy người dân làm chủ thể, bên cạnh đó tổ chức sản xuất coi trọng hợp tác xã và doanh nghiệp để đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hà Tĩnh đưa thêm khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu vào tiêu chí nông thôn mới để xây dựng vùng quê an lành, đáng sống. Tỉnh Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương này đã có vùng chuyên canh lớn và tương đối tập trung; nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất giống, công nghệ thủy canh, kỹ thuật canh tác mới, cảm biến, điều khiển từ xa... góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt, báo cáo cũng chỉ rõ “tam nông” còn nhiều hạn chế, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Trong khi đó, thực tế nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ, thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh; nông thôn phát triển không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp; có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Nhiều tham luận tại Hội nghị đề nghị Trung ương có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất; đổi mới chính sách về đất đai; xóa tín dụng đen ở nông thôn; có cảnh báo về mùa vụ và thị trường ở nước ngoài để giúp nông dân không rủi ro khi xuất khẩu…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị quyết về “tam nông” ở Việt Nam không chỉ là vấn đề giai cấp mà còn liên quan đến việc nâng cao đời sống người dân và phát triển đồng đều, là định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng được Đảng, Nhà nước ta vạch ra trong quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, góp phần giúp nền nông nghiệp chuyển mình, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng to đẹp hơn, vai trò chủ thể của nông dân được khẳng định, đời sống được nâng lên. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ với nhận thức đúng đắn, tích cực triển khai thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến thông qua các hội nghị chuyên đề để báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về vấn đề quan trọng này; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời, chỉ rõ bên cạnh thành công chung vẫn còn nhiều tồn tại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cả hệ thống chính trị cần thống nhất việc giải quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chung, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực, tự chủ, tự cường của nông dân trong nền kinh tế hội nhập; giải quyết đồng bộ các vấn đề gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khắc phục sự tự ti, ỷ lại của một bộ phận nông dân. Đây chính là quan điểm chiến lược, cần tiếp tục khẳng định trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đảng, Nhà nước cần sát cánh cùng các bộ ngành địa phương để làm cuộc cách mạng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.... Đó là chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng; nhận diện cơ hội và thách thức để định hướng chiến lược; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiếp tục phát triển, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu mới, nguồn lực mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hội nhập với tư duy mạnh mẽ; chủ động khắc phục, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, coi đây là định hướng quan trọng cần thống nhất từ trung ương đến địa phương để người dân yên tâm sử dụng; rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp như: Cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn...
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã hoan nghênh Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các đại sứ quán đã có nhận thức tốt hơn về vấn đề mở rộng thị trường, bởi thị trường là yếu tố quan trọng để bảo đảm “đầu ra” hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng "được mùa - mất giá, được giá - mất mùa". Chính vì vậy, cần có tinh thần thay đổi tư duy cách làm sản xuất nông nghiệp cần gắn chặt với nhu cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc, sản xuất chất lượng; phát triển, thâm nhập, mở rộng thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần chú ý thị trường xuất khẩu mạnh mẽ hơn để mang lại hiệu quả cao.
Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng cung cấp tín dụng và có cơ chế cần thiết phục vụ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hệ thống ngành Nông nghiệp cần chú ý nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực... Về từng vấn đề cụ thể, Thủ tướng cho rằng công cuộc xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường, duy trì văn hóa truyền thống tốt đẹp của nông dân Việt Nam; có kế hoạch mở rộng để đô thị hóa khu vực nông thôn...
Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nguồn nước, nông - lâm nghiệp, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương cần quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Thủ tướng cho rằng, vấn đề bảo vệ rừng cần được chú trọng, vẫn còn tình trạng phá rừng còn phổ biến ở nhiều nơi; nhiều địa phương có diện tích rừng rất lớn song vẫn chưa đạt hiệu quả sử dụng...
Tại Hà Nội, qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã triển khai và thu được kết quả bước đầu, thể hiện ở các lĩnh vực: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 41.741 tỷ đồng, tăng 207,3% so với năm 2008. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hà Nội xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tạo tiền đề thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và là cơ sở để tập trung tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183ha (đạt 104,2%) so với kế hoạch. Toàn thành phố đã chuyển đổi được 33.884ha đất từ sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất cho năng suất và hiệu quả cao. Trong xây dựng huyện nông thôn mới, Hà Nội có 4/18 (đạt 22,22%) huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 43,16 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008. |