Thách thức với tiến trình hòa đàm Syria

Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 30/11/2018

(HNM) - Trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, ngày 28 và 29-11, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bảo trợ vòng hòa đàm lần thứ 11, tại Thủ đô Astana (Kazakhstan), nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.

Các nhóm phiến quân vẫn chưa rút khỏi Idlib theo thỏa thuận thành lập khu vực phi quân sự.


Được nối lại sau khoảng thời gian 6 tháng, tại vòng hòa đàm lần này, nhiều nội dung quan trọng đã được đem ra bàn thảo như: Việc thành lập Ủy ban Hiến pháp, tiến trình trao đổi tù binh giữa các bên, đặc biệt là làm thế nào duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Idlib.

Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ chịu nhiều áp lực khi đối mặt với những cáo buộc cho rằng, các tay súng tại Idlib do nước này bảo trợ vẫn chưa rút quân và vũ khí hạng nặng ra khỏi khu phi quân sự như trong cam kết giữa Ankara và Mátxcơva hồi tháng 9. Thêm vào đó là vụ tấn công hóa học do các phiến quân thực hiện tối 24-11, nhằm vào Aleppo, làm 107 người phải nhập viện trong tình trạng khó thở với những triệu chứng đặc trưng của nhiễm độc. Sau vụ tấn công này, quân đội Chính phủ Syria ngay lập tức bao vây và tấn công Idlib - điểm khởi nguồn của vụ tấn công hóa học. Trong khi đó, không quân Nga cũng đã triển khai các cuộc không kích nhằm vào khu vực này.

Ngày 29-11, ông Alexander Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Syria khẳng định trong cuộc họp báo, có khoảng 15.000 tay súng thuộc mặt trận Nusra Front - một nhánh của Al-Qaeda hiện diện ở tỉnh Idlib; đồng thời tuyên bố nước này đã chuẩn bị cho chiến dịch ném bom khu vực lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở Syria nếu như các nhóm phiến quân này không rút lui. Tuy nhiên, với khoảng 3 triệu thường dân và hơn 60.000 tay súng đối lập hiện đang có mặt tại khu vực này, các nhóm cứu trợ cảnh báo, một cuộc tổng tấn công sẽ đem tới thảm họa nhân đạo ngay trên biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn lại 7 năm qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria. Ngoài các nỗ lực do Liên hợp quốc đứng đầu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã tham gia tích cực tiến trình hòa bình với nhiều vòng đàm phán ở Thủ đô Astana của Kazakhstan. Cho tới thời điểm này, mặc dù còn nhiều trắc trở, song những đồng thuận đạt được đã góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng cho cuộc khủng hoảng tại Syria, đó là chấm dứt xung đột vũ trang, bước sang giai đoạn đối thoại. Đặc biệt, các bên đang dần tiếp cận cụ thể hơn các vấn đề tái thiết, thành lập chính phủ hòa hợp, cải cách Hiến pháp và tiến hành một cuộc bầu cử dân chủ, minh bạch... Nói cách khác, các cuộc đàm phán này đã trở thành nền tảng hiệu quả nhất nhằm hướng tới chấm dứt xung đột và mang lại nền hòa bình lâu dài cho đất nước Syria. Trước mắt, nhiệm vụ đặt ra đối với Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nặng nề khi phải tìm tiếng nói chung giữa các lực lượng đối lập với Chính phủ Syria trong quá trình đàm phán. Vì thế, dư luận thế giới lo ngại, nếu không tìm được biện pháp “hạ nhiệt”, những động thái căng thẳng leo thang giữa các bên ở Idlib sẽ đe dọa nghiêm trọng tới kết quả của tiến trình đàm phán gần 2 năm qua.

Theo các nhà phân tích, để tránh những bất đồng có thể đưa cuộc hòa đàm vốn được coi là “cánh chim hòa bình” quay trở lại vạch xuất phát, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm lớn khi không kiểm soát được hoạt động của các phiến quân. Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới Ankara sẽ đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn: Tự tay tấn công các phiến quân do mình hậu thuẫn hoặc chấp nhận nhìn thỏa thuận ngừng bắn Idlib đổ vỡ sau bao cố gắng để có được. Vượt qua được thách thức này, Mátxcơva, Tehran và Ankara có thể sẽ tạo thêm những bước đột phá để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đi đúng quỹ đạo.

Phương Quỳnh