Khi nông dân là nòng cốt

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 30/11/2018

(HNM) - Có thể nói, nông dân là nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới bởi họ vừa là chủ thể vừa là đối tượng hưởng lợi từ chương trình.

Một mô hình trồng rau hữu cơ theo hướng sạch, an toàn của hộ nông dân Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng).


Những người tiên phong...

Câu chuyện nông dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới những năm qua diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Việc nông dân hiến đất làm đường, xây dựng quê hương xanh, sạch... đã vượt lên những giá trị về kinh tế, thể hiện sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Điển hình tại Hà Nội, nơi vẫn được ví “tấc đất là tấc vàng” song tại nhiều quận, huyện, nông dân sẵn sàng hiến vài chục mét vuông đất để cải tạo đường làng, ngõ xóm. Câu chuyện ông Ngô Văn Sương ở thôn Dục Nội (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) đã hiến trên 60m2 đất thổ cư, trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng, mở rộng đường làng ngõ xóm là ví dụ. Nhờ có 60m2 đất của gia đình ông Sương, con đường lưu thông trong thôn trước kia chỉ rộng 1m, nay chiều rộng tuyến đường lên tới hơn 4m. Chủ tịch UBND xã Việt Hùng Nguyễn Hữu Sáng cho biết, tấm gương tiên phong của gia đình ông Sương đã tạo nên phong trào tự nguyện đóng góp công sức, tiền của nhằm xây dựng xóm làng ngày một khang trang, rộng rãi. Chỉ tính riêng tại thôn Dục Nội, sau “con ngõ điểm” qua nhà ông Sương, đã có thêm 7 đường làng ngõ xóm khác được bà con chung tay góp sức để xây dựng...

Đánh giá về việc nông dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, không riêng Đông Anh, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa khắp các địa phương tại Hà Nội và diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành cả nước. Đơn cử như ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nhờ sự đồng thuận của nhân dân, toàn bộ đường ngõ hẻm ở thôn đã được mở rộng từ 1,5m lên 2m và đường trục chính từ 3,5m lên đến 5,5m, trải bê tông. Nhiều gia đình còn hiến 300m2 đất ruộng để xây dựng giao thông, nhà văn hóa, các mô hình sản xuất…

Không dừng lại ở câu chuyện hiến đất làm đường, nông dân còn tiên phong trong các mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân và địa phương. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thực hiện phong trào, các cấp hội đã tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện. Hằng năm, bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp hơn 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá hơn 15.000 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu...

Tiếp tục phát huy vai trò

Không chỉ trên mặt trận kinh tế, đời sống, nông dân còn tham gia mạnh mẽ vào tất cả các lĩnh vực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện chương trình hiệu quả. Đơn cử như Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 11.559 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, đạt 110,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra. Bên cạnh đó, nhiều chương trình: Xây dựng gia đình văn hóa; Tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; Thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Phòng, chống các tệ nạn xã hội… đã được các cấp Hội Nông dân triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”, hiện tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 2.909,8 tỷ đồng; doanh số cho vay hơn 6.404 tỷ đồng trong 5 năm (2013-2018)... Qua đó, giúp xây dựng được 15.529 mô hình liên kết hợp tác; hỗ trợ 310.050 lượt hộ hội viên vay vốn, phát triển kinh tế. Hằng năm, các cấp hội trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 231.605 nông dân, đạt 105,3% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra; hơn 80% nông dân có việc làm ổn định sau khi học nghề...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, với những cách làm thiết thực, sáng tạo trong thời gian qua, các cấp hội đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của hội viên, nông dân trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tăng cường vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đỗ Minh