Nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt: Người tiêu dùng lo lắng

Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 01/12/2018

(HNM) - Hiện nay, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng nông sản (chủ yếu là rau, củ, quả) không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng khi được hỏi hầu hết tiểu thương khẳng định đó là nông sản Việt Nam.

Bưởi vàng nhập từ Trung Quốc “đội lốt” bưởi Tiền Giang.


Nhập nhèm nguồn gốc

Trong vai người đi buôn, đêm 27-11, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại chợ Long Biên (chợ bán buôn lớn của TP Hà Nội), chứng kiến nhiều xe tải lớn nhỏ chở nông sản lần lượt vào chợ “đổ” hàng. Quan sát của phóng viên tại một số sạp hàng bán các loại trái cây trong chợ cho thấy, việc bốc dỡ hàng hóa rất chuyên nghiệp, nhanh gọn, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hay kiểm định chất lượng sản phẩm.

Tương tự, tại nhiều chợ “cóc”, chợ tạm, hàng rong trên địa bàn Hà Nội, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ một số loại nông sản như bưởi vàng, hồng, táo, khoai tây, hành tây, cải thảo, cà rốt... phóng viên đều được tiểu thương khẳng định: “Đây là hàng Việt Nam”. Thế nhưng, thực tế, quanh khu vực các sạp hàng nông sản, phóng viên nhìn thấy nhiều vỏ bao bì có chữ Trung Quốc (?). Ví dụ, tại đường Hỏa Lò (quận Nam Từ Liêm), có hàng chục quầy hàng ở hai bên đường bán loại bưởi có màu vàng bóng. Khi hỏi nguồn gốc xuất xứ thì một tiểu thương nói: “Đây là bưởi Thành Long ở Tiền Giang”. Tuy nhiên, phóng viên tìm hiểu thì được biết tỉnh Tiền Giang không trồng loại bưởi nào có tên Thành Long. Thực tế, đây chính là loại bưởi vàng được nhập từ Trung Quốc.

Tình trạng trên cũng diễn ra phổ biến tại một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), những cây cải thảo to được bọc cẩn thận bằng một lớp xốp, tiểu thương giới thiệu là cải Đà Lạt, nhưng ngoài túi ni lông lại in chữ Trung Quốc. Tại chợ đầu mối Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), từ 4h sáng việc mua bán nông sản đã bắt đầu nhộn nhịp. Mặc dù bao bì một số mặt hàng như hành tây, cà rốt... có chữ Trung Quốc, nhưng khi phóng viên hỏi mua lẻ, thương lái vẫn nói là hàng Việt.

Chị Phan Thị Luận, bán rau ở khu tập thể Văn Công (quận Cầu Giấy), cho biết: "Hầu hết rau, quả trái mùa được bày bán ở các chợ là hàng Trung Quốc. Nhưng do tâm lý người mua không thích hàng Trung Quốc nên chúng tôi nói là hàng Việt".

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Trao đổi về công tác kiểm soát nông sản tại chợ Long Biên, ông Nguyễn Văn Loan, Phó Trưởng ban Quản lý chợ cho hay: Ban Quản lý chợ đã yêu cầu chủ hàng xuất trình hợp đồng mua bán (ghi rõ nơi thu mua hàng hóa); nếu là hàng ngoại nhập phải xuất trình giấy thông quan, hóa đơn mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... Nếu hộ nào vi phạm trên 3 lần sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp các thông tin: Hiện nay, trong chợ Long Biên có bao nhiêu chủ sạp hàng kinh doanh hàng nội địa, hàng nhập ngoại; số trường hợp vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý... thì ông Loan chưa cung cấp được (?).

Nói về thực trạng trên, ông Lê Trung Kiên, Phó phụ trách Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra thực tế công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết sản phẩm hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chứng minh chất lượng hàng hóa bảo đảm chất lượng và an toàn theo quy định.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 9 tháng năm 2018, đã kiểm tra, xử lý 1.678 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính hơn 8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục kiểm tra chuyên đề về ngành hàng rượu, trái cây, gia súc, gia cầm, phát hiện hơn 1.000 vụ, xử lý gần 800 vụ vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm, phạt hành chính gần 3 tỷ đồng... Riêng tháng 10-2018, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 172 vụ, xử lý 233 vụ (gồm xử lý cả các vụ tồn đọng); phạt hành chính 2,62 tỷ đồng.

Ông Trịnh Bá Quang, Quyền Trưởng phòng Kiểm tra phối hợp liên ngành Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn do quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và mức giới hạn an toàn đối với thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm... còn thiếu và chưa đồng bộ. Cùng với đó là các văn bản chồng chéo, sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, việc giám định chất lượng còn nhiều khó khăn...

Đề xuất giải pháp kiểm soát chất lượng hàng nông sản, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trước tiên về phía các cơ quan chức năng cần tăng cường và thắt chặt công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Về phía người tiêu dùng, cần cẩn thận đối với rau quả nhập từ nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc, chất lượng; nhất là hàng nông sản "đội lốt" hàng Việt. Khi thực hiện mua và sử dụng cần kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì xem có giống kết quả kiểm định của các cơ quan quản lý để bảo vệ chính mình.

Nhóm PV Ban Bạn đọc