Chặn "hung thần"... chở khách

Giao thông - Ngày đăng : 07:19, 01/12/2018

(HNM) - Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan xe khách có chiều hướng gia tăng, cướp đi nhiều sinh mạng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách là đòi hỏi của toàn xã hội. Ảnh: Anh Tuấn


Những con số giật mình

Chỉ riêng quý III-2018 đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm 70 người thương vong. Đó là vụ xe khách lao xuống vực sâu khi qua đèo Lò Xo (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum) ngày 16-6 khiến 3 người chết, 19 người bị thương; vụ xe khách giường nằm lao xuống vực sâu của đèo Cao Bắc (tỉnh Cao Bằng) ngày 22-7 khiến 4 người tử vong tại chỗ và 11 người bị thương; vụ ô tô 16 chỗ trên đường rước dâu đã đâm vào xe đầu kéo ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) ngày 30-7 khiến 13 người tử vong, 4 người bị thương; vụ xe bồn va chạm với xe khách 16 chỗ ở quốc lộ 4D thuộc khu vực thị trấn Tam Đường (tỉnh Lai Châu) ngày 15-9 khiến 13 người chết, 3 bị thương.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 4 vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng nói trên đều có phần nguyên nhân từ sự chủ quan của lái xe. Trong vụ tai nạn giao thông ở Quảng Nam, lái xe mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định; 3 vụ còn lại đều có nguyên nhân từ thói quen chủ quan, không thực hiện nguyên tắc điều khiển xe đi đường đèo, xuống dốc dài, dẫn đến hệ thống phanh hãm bị mất tác dụng và gây tai nạn.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ công tác quản lý. 3/4 vụ tai nạn nêu trên (trừ vụ ở Lai Châu) các xe chở khách đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Cụ thể, xe 34B - 002.69 gây tai nạn giao thông tại đèo Lò Xo 3 ngày không gửi dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; xe 75B - 000.52 gây tai nạn giao thông ở Quảng Nam khi không có giấy phép kinh doanh vận tải, chưa sang tên đổi chủ; xe 17K - 8496 gây tai nạn giao thông ở Cao Bằng không tìm thấy thiết bị giám sát hành trình, nhưng cơ quan quản lý về vận tải cũng như lực lượng tuần tra, kiểm soát đều không phát hiện, xử lý kịp thời. Ngoài ra, hầu hết hành khách đi trên 4 xe ô tô chở khách gặp tai nạn giao thông trong các vụ nêu trên đều không thắt dây an toàn.

Kiểm soát chặt phương tiện, người lái

Làm thế nào để hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến xe khách đang là mối quan tâm của các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng cũng như cộng đồng xã hội. Ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội cho rằng, điều đầu tiên là các doanh nghiệp vận tải cần siết chặt khâu tuyển dụng lái xe, cần đào tạo, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này. Thứ hai, cần thực hiện tốt việc quản lý về phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện qua hệ thống camera hành trình, kiểm soát được tốc độ của lái xe khách chạy trên đường...

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho hàng vạn lái xe; tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và yêu cầu các lái xe thực hiện nghiêm quy định của pháp luật… Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh để trao đổi thông tin, xử lý kịp thời phương tiện vận tải hành khách có vi phạm... Tuy nhiên, nếu chỉ có lực lượng chức năng trực tiếp xử lý trên đường sẽ không đủ, mà cần sự vào cuộc của các ngành liên quan. Các đơn vị đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần thực hiện nghiêm việc đào tạo và tổ chức lồng ghép các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp, cùng với đào tạo về lý thuyết, thực hành cho học viên. Bộ Giao thông - Vận tải và các ngành liên quan cần có chế tài xử lý theo hướng tăng nặng để buộc doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm các quy định, không vì lợi nhuận trước mắt, mà để lại hậu quả lâu dài.

Để hạn chế tai nạn giao thông cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, song quan trọng nhất là phải có mô hình quản lý tốt về cung cầu. Bảo đảm cân đối cung cầu sẽ tránh được tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách; nghiên cứu quản lý xe khách liên tỉnh theo mô hình quản lý xe buýt. Theo đó, hoạt động vận tải tuyến cố định cần phải được Sở Giao thông - Vận tải hai đầu tuyến và Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý chặt chẽ không những về bến, thời gian xuất bến, lộ trình; mà còn về thứ tự xe chạy, vị trí đón trả khách, thời gian biểu chạy xe tại các vị trí được đón trả khách dọc đường...

Tuấn Lương