Báo động tín dụng “đen”!
Tài chính - Ngày đăng : 07:15, 01/12/2018
Người dân nên thận trọng với tín dụng “đen”. Ảnh: Sơn Hà |
Vòi bạch tuộc tín dụng "đen"
Ít ngày trước, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng đơn vị liên quan đã triệt phá thành công tổ chức tín dụng "đen" lớn nhất từ trước đến nay, núp dưới cái tên Công ty Tài chính Nam Long. Theo thống kê sơ bộ, đã có 200 khách hàng vay lãi. Tổng số tiền mà tổ chức tín dụng "đen" này giao dịch lên tới hơn 510 tỷ đồng.
Không chỉ ở đô thị, nhiều địa bàn nông thôn đã xảy ra các vụ đòi nợ với hình thức chủ yếu là uy hiếp tinh thần, làm cho con nợ mất danh dự, uy tín. Theo ông Phạm Huyền Ngọc, đại biểu Quốc hội (Đoàn Ninh Thuận), hoạt động của các băng nhóm tội phạm, nhất là liên quan bảo kê, tín dụng "đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật diễn ra phức tạp, có xu hướng lan rộng đến vùng nông thôn, miền núi.
Hoạt động tín dụng "đen" như vòi bạch tuộc lan rộng từ miền Bắc vào miền Nam, với những tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp lãi suất 20-30%/tháng, thậm chí 40%/tháng, đăng ký kinh doanh dưới hình thức dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Đối tượng thu hồi vốn và lãi hằng ngày, mỗi món vay không quá 50 triệu đồng, thỏa thuận lãi suất bằng miệng; hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình, nhà, xe để đối phó với những quy định của pháp luật.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng... bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Như vậy, nếu vay 50 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này. Trên thực tế, ngay ở Hà Nội, tại một số tuyến phố lớn, những thông tin quảng cáo về tín dụng "đen" được dán ở nhiều nơi với “mác” là hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ... Mặc dù đã được tuyên truyền về những rủi ro khi tiếp cận hình thức cho vay này, song không ít người vẫn “lao” vào vì khó khăn đột xuất. Mức lãi suất áp dụng đối với hình thức cho vay kiểu tín dụng "đen" này rất cao, đều trên - dưới 200%/năm.
Biến tướng và giải pháp
Một trong những hình thức “trá hình” nhưng rất phổ biến của tín dụng "đen" là dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính núp dưới bóng một doanh nghiệp, có thể vay trực tiếp hoặc online (trực tuyến). Ngoài thủ tục nhanh gọn, nhiều cá nhân, tổ chức thường tìm đến tín dụng "đen" vì dễ tiếp cận mà không cần chứng minh tài sản. Nhiều doanh nghiệp còn quảng cáo với nội dung "lãi suất 0%" để thu hút khách hàng.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), thực chất hoạt động vay online là cho vay ngang hàng. Hình thức này đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu khi hai người cho nhau vay tiền trực tiếp nhưng kết nối với nhau qua một sàn ảo, số hóa hoạt động tài chính đó lên. Cụ thể, có 2 loại hình doanh nghiệp cho vay ngân hàng, đó là doanh nghiệp trực tiếp cho vay, hoặc chỉ cung cấp sàn cho vay ngân hàng, phần mềm giao dịch, phần xếp hạng tín nhiệm của người vay và gửi tới bên cho vay. Nếu được kết nối, 2 bên sẽ thỏa thuận trực tiếp với nhau về lãi suất, còn công ty chỉ ở giữa và hưởng phí giao dịch, thường là 1,5%. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này "lách" thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên tới vài trăm phần trăm/năm. "Mức lãi suất của hoạt động vay trực tuyến là lãi suất phi kinh tế và trái với quy định của pháp luật. Đây là hình thức tài chính biến tướng và cho vay nặng lãi", ông Phạm Xuân Hòe khẳng định.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, có sự biến tướng tín dụng "đen" qua vay online, nên Ngân hàng Nhà nước đang tích cực rà soát để đề xuất Chính phủ biện pháp quản lý hiệu quả. Trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước liên tục rà soát, bổ sung các quy định cho vay, trong đó có văn bản quy định cho vay tiêu dùng, cũng như văn bản riêng với tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường chỉ đạo mở rộng mạng lưới ngân hàng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; phát triển tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội...
"Ngân hàng Nhà nước luôn có chỉ đạo chấn chỉnh cho vay tiêu dùng, giải pháp này góp phần hạn chế tín dụng "đen". Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước quản lý các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy tín dụng "đen" không thuộc quyền quản lý song Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát nắm bắt tình trạng này để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý chung hoạt động tín dụng, tránh tín dụng "đen" tràn lan", bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Hoạt động tín dụng "đen" là quan hệ dân sự, lãi suất cao và đằng sau thường là hoạt động của tổ chức tội phạm. Thống kê từ năm 2015 đến năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan tín dụng "đen". Trong đó, có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm... Lực lượng Công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. |