Chưa khai thác hiệu quả
Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 02/12/2018
Biểu diễn chầu văn trên phố Đào Duy Từ. Ảnh: Châu Xuyên |
Cơ hội còn bỏ ngỏ
Được xây dựng từ quý III năm 2017 với nhiều kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện”, chương trình nghệ thuật “Tâm hồn làng Việt”, kể chuyện làng quê Việt Nam trên chất liệu âm nhạc truyền thống đã buộc phải “gói lại” trong sự tiếc nuối của những người tham gia.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, đồng sáng lập chương trình cho biết: "Chương trình đã tạo được tiếng vang. Nhiều tour, tuyến đã đặt lịch trải nghiệm chương trình sang cả năm 2019 nhưng chúng tôi vẫn phải tạm dừng vì thu không đủ bù chi. Kinh phí xây dựng chương trình đã ngốn hơn một tỷ đồng chưa kể những khoản phí: Thuê rạp, thuê đạo cụ, trang phục, bồi dưỡng diễn viên… Điều này khiến việc giữ cho sân khấu sáng đèn trở nên quá sức".
Khó khăn đưa di sản phi vật thể thành sản phẩm du lịch cũng là câu chuyện đang diễn ra ở phường rối Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh). Trưởng đoàn Múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị bày tỏ: "Dù luôn năng động trong khâu tổ chức, biểu diễn phục vụ cả những nhóm khách lẻ miễn là di sản được biết đến nhiều hơn, nghệ nhân có thu nhập, nhưng đến giờ, lượng khách tìm về vẫn chưa ổn định. Sân khấu rối nước Đào Thục chưa trở thành điểm đến cố định trong các tour, tuyến của các công ty lữ hành. Phấn đấu trở thành điểm đến ổn định, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng thêm nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm, như: Học làm quân rối, học điều khiển quân rối, giao lưu với nghệ nhân, tìm hiểu lịch sử làng nghề, giới thiệu sản vật địa phương…".
Tuy nhiên, cái khó vẫn bó cái khôn. Người dân chưa có điều kiện và cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng nên chưa thể đầu tư trong khi hỗ trợ từ những nguồn khác cũng vô cùng hạn chế...
Thế nhưng, dù còn nhiều thách thức, hướng đi của sân khấu rối nước Đào Thục hay chương trình nghệ thuật “Tâm hồn làng Việt” vẫn là mơ ước của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác trên địa bàn Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô Liệp Tuyết, Quốc Oai cho biết, di sản hát Dô không chỉ độc đáo về giai điệu, bài bản mà còn từ những câu chuyện huyền tích. Nơi lưu giữ di sản lại nằm cách Thủ đô không xa, hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác.
Cũng nằm trong “bản đồ” di sản phi vật thể Hà Nội, hát Trống quân Khánh Hà, Thường Tín; Hò cửa đình - Múa bài bông Quang Trung, Phú Xuyên… hay Chèo tàu Tân Hội, Đan Phượng cũng mới chỉ được biết đến qua báo, đài hay các hội diễn. Giấc mơ đưa di sản thành sản phẩm du lịch dường như vẫn ngoài tầm với.
Tiếp sức cho nghệ nhân
Tìm hiểu, khám phá nét độc đáo của Hà Nội là nhu cầu có thực của nhiều du khách khi tới Thủ đô. Một trong những nét văn hóa được quan tâm hàng đầu chính là các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, vốn di sản phản chiếu chiều sâu văn hóa, tâm hồn Hà Nội.
Đã có không ít những địa chỉ giới thiệu những sản phẩm như thế tới du khách, như: Chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; biểu diễn rối nước, rối cạn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam; hát xẩm, ca trù, chèo… tại nhiều di tích đình, đền thuộc khu phố cổ. Dù còn nhiều khó khăn, không ít buổi diễn phải bù lỗ nhưng những chương trình nghệ thuật này đã từng bước hình thành nên những địa chỉ thưởng thức văn hóa uy tín, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng, di sản được chuyển hóa thành sản phẩm du lịch chưa nhiều bởi việc kết hợp giữa văn hóa và du lịch chưa tốt. Điều này cần phải được quan tâm, thúc đẩy cho phù hợp, không để lãng phí tiềm năng. Cần bắt đầu từ việc hỗ trợ nghệ nhân đầu tư xây dựng các chương trình biểu diễn có tầm vóc, chất lượng; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch gắn với di sản phi vật thể; tạo cơ chế để các công ty lữ hành đưa điểm đến di sản vào chuỗi sản phẩm du lịch… Điều này không chỉ góp phần kích thích du lịch tăng trưởng mà còn hỗ trợ nghệ nhân “nuôi” di sản, để di sản thực sự “sống” trong đời sống đương đại.
Theo PGS.TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội), trong việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản, điều quan trọng là cần tạo dựng không gian phù hợp để phát huy giá trị. Nhìn từ thành công của một số chương trình nghệ thuật, show diễn thực cảnh “Tứ phủ” hay “Tinh hoa Bắc Bộ”, có thể thấy nếu được đầu tư bài bản, phù hợp, các sản phẩm du lịch hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể hoàn toàn có thể trở thành điểm đến không thể thiếu của các tour du lịch.
Trưởng đoàn Múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị đề nghị, bên cạnh việc hỗ trợ, tiếp sức nghệ nhân xây dựng các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, có lịch diễn, địa chỉ biểu diễn ổn định, cần có thêm biện pháp để người dân quan tâm hơn đến di sản phi vật thể thay vì chỉ phục vụ khách nước ngoài như hiện nay.
Ví dụ, múa rối là nghệ thuật truyền thống dân gian Việt Nam nhưng trẻ con hiểu tường tận chưa nhiều. Ngành Giáo dục cần quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với văn hóa nghệ thuật truyền thống nhiều hơn, để lớp trẻ thêm hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống.