Đồng bộ giải pháp xử lý rác thải

Công nghệ - Ngày đăng : 06:53, 03/12/2018

(HNM) - Ngày 24-11 vừa qua, Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND (Quyết định 44) của UBND TP Hồ Chí Minh về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố có hiệu lực.

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện phân loại rác tại nguồn.


Sau mười ngày Quyết định số 44 có hiệu lực, ghi nhận của phóng viên tại bãi tập kết rác tạm ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), các loại rác đều được chứa trong những thùng rác nhựa loại 660 lít. Bên trong các thùng này có nhiều túi ni lông chứa rác với đủ các loại như chai nhựa, chai thủy tinh, lon bia, vỏ trái cây, bịch xốp… Tại các chợ, sau khi dọn hàng, nhiều tiểu thương dồn tất cả rác vào những túi ni lông to mà không phân loại.

Chị Trần Thị Lan (tiểu thương tại chợ Tân Mỹ, quận 7) cho hay: “Chúng tôi cũng nghe thông tin thành phố có quy định phải phân loại rác tại nguồn, nhưng cụ thể thế nào không rõ lắm, chưa thấy ai hướng dẫn”.

Theo quy định, chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại theo 3 nhóm: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Thành phố khuyến khích hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ; sử dụng các loại túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại. Sau khi được phân loại, thành phố sẽ tổ chức thu gom riêng. Cụ thể, thu gom chất thải hữu cơ vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật; chất thải còn lại vào thứ ba, năm, bảy.

Tại một số quận, chính quyền địa phương đã lắp đặt thùng rác công cộng hai ngăn (một ngăn chứa chất thải hữu cơ, một ngăn chứa chất thải còn lại) dọc một số tuyến đường. Đơn cử, tại quận 7, thùng rác công cộng hai ngăn được lắp đặt trên đường Nguyễn Thị Thập, Lâm Văn Bền... Đại diện UBND quận 7 cho biết, quận phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã lắp đặt 256 thùng rác công cộng hai ngăn trên địa bàn 10 phường.

Còn tại quận Tân Phú, mới đây Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình truyền thông và mở rộng dự án phân loại rác tại nguồn với sự tham gia của khoảng 800 người.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là quá trình lâu dài và đã được thành phố thực hiện từ nhiều năm qua. Quyết định 44 ra đời nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về việc tiếp tục thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo bà Mỹ, công tác tuyên truyền có vai trò quyết định đối với việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tăng lên hơn 9.000 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác tái chế thành phân hữu cơ chỉ đạt chưa tới 3.000 tấn/ngày. Số còn lại chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện và trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp với các đơn vị liên quan đến hết tháng 12-2018 phải hoàn thành phương án lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tập trung thực hiện hai dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại với công suất 1.000 tấn/ngày/dự án.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng công bố đấu thầu dự án xử lý chất thải rắn với quy mô vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng. Đây là tiền đề để thực hiện mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác tái chế thành năng lượng điện.

Nguyễn Lê