Hà Nội: Hơn 260.000 trẻ đã được tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:33, 03/12/2018
Không ghi nhận sự cố sau tiêm chủng
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, trong quá trình tiểm chủng, không ghi nhận bất kỳ sự cố hay trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm chủng. Đa số các bậc phụ huynh đều ủng hộ và đưa con đến trường tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella, tỷ lệ đạt khá cao ở các trường khu vực ngoại thành.
Tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella cho trẻ tại Trường mầm non chất lượng cao Việt-Bun |
Trong bối cảnh những tháng vừa qua dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng bất thường ở nhiều địa phương và đã có bệnh nhân tử vong, dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin rubella trên toàn quốc những năm gần đây đạt cao, song tỷ lệ vẫn chưa đạt 95% và vẫn còn các vùng nguy cơ cao, có nơi mới chỉ đạt dưới 90%. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ 1- 5 tuổi vùng nguy cơ cao trên cả nước năm 2018- 2019.
Tại Hà Nội, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi, rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi đã được thành phố đồng loạt triển khai từ ngày 26-11 đến 11-12-2018 tại trường mầm non và trạm y tế.
Liên quan đến chiến dịch này, tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết khi tiêm vắc xin sởi, rubella cho trẻ 1 đến 5 tuổi" do Sở Y tế và một cơ quan báo chí Hà Nội tổ chức tuần qua, nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh đã được PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương và PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời.
Nhiều thắc mắc về tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella được giải đáp
Chẳng hạn, với câu hỏi “Con trai tôi đã được tiêm mũi 1 vắc xin sởi đơn vào lúc cháu được 10 tháng rưỡi, theo lịch thì đến nay cháu 18 tháng rưỡi thì sẽ tiêm mũi 2 nhắc lại nhưng cháu lại được tiêm 1 mũi sởi-quai bị-rubella khi cháu 15 tháng rưỡi. Vậy nay đến thời điểm tiêm mũi sởi-rubella này cháu có cần tiêm lại hay không?” PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, cháu thuộc diện tiêm lần này, chỉ trừ những cháu mới tiêm vắc xin có thành phần sởi trong vòng 1 tháng sẽ không tiêm trong đợt này.
“Bé nhà em giờ được hơn 12 tháng. Hồi tháng 11 cháu có tiêm phòng sởi và hiện tại em có nhu cầu tiêm thêm cả quai bị và rubella, không biết em có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 sởi-rubella-quai bị được không?" PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho hay, cháu thuộc diện tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella trong chiến dịch này. Phụ huynh có thể cho cháu tiêm vắc xin phòng 3 bệnh sởi-quai bị-rubella tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, sau khi tiêm mũi sởi-rubella khoảng 6 tháng.
Trả lời thêm thắc mắc của các phụ huynh, PGS.TS Dương Thị Hồng chia sẻ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì việc tiêm nhắc lại và bổ sung trong các chiến dịch tiêm chủng giúp trẻ có miễn dịch bền vững hơn phòng bệnh sởi và rubella và khoảng cách giữa các mũi tiêm phải đảm bảo tối thiểu là 1 tháng.
Trước băn khoăn “Tôi muốn con đi tiêm chủng nhưng lại lo tai biến. Xin hỏi tỷ lệ tai biến đối với trẻ 1-5 tuổi hiện nay như thế nào và làm thế nào để hạn chế tai biến?”, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, vắc xin sởi là vắc xin an toàn. Tuy nhiên, vắc xin là một loại thuốc, vì vậy có một tỷ lệ nhất định có phản ứng khi tiêm chủng ở các mức độ khác nhau như: Phản ứng nhẹ (đau và đỏ ở nơi tiêm, sốt nhẹ, trẻ khó chịu). Những biểu hiện này sẽ hết nhanh trong 1-2 ngày.
Những trường hợp nặng như phản ứng phản vệ nhưng tỷ lệ này rất thấp, 1-2 trường hợp trên một triệu liều vắc xin. Các cơ sở tiêm chủng luôn sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị để cấp cứu nếu có phản ứng phản vệ xảy ra.
“Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, trẻ cần được theo dõi sau khi tiêm 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 24-48 giờ. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, ví dụ như sốt cao, co giật, tím tái, khó thở... cần thông báo ngay cho cơ sở tiêm chủng và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.