Ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng: Giám sát còn lỏng lẻo

Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 03/12/2018

(HNM) - Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố luôn có hàng nghìn dự án lớn, nhỏ được tái thiết, cải tạo, xây dựng mới. Song đáng buồn, tỷ lệ thuận với đó là thực trạng ô nhiễm môi trường do bụi từ các công trường xây dựng gây ra.

Cụm chung cư cũ L1, L2 - 93 Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đang được dỡ nhưng phát sinh bụi mù mịt. Ảnh: Hữu Tiệp


Mùa xây dựng - mùa bụi

Sau nhiều năm gần như tê liệt vì chưa giải phóng xong mặt bằng, mới đây (ngày 14-11), cụm chung cư cũ L1, L2-93 Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bắt đầu được phá dỡ, chuẩn bị xây mới cao ốc 27 tầng.

Tuy nhiên, từ lúc hai tòa nhà 5 tầng cũ của cụm chung cư này phá dỡ, cũng là lúc bụi vôi vữa, cát... phát sinh, bay mù mịt. Trời hanh khô, bụi phát tán ra cả một khu vực rộng lớn, tra tấn khu dân cư và các hàng quán kinh doanh gần đó. Thậm chí, người đi đường cũng lĩnh đủ do công trình nằm ngay gần trục đường Láng Hạ. Lớp bụi dày đặc phát tán khiến nhiều người phải bịt mũi, nín thở, mắt nhắm mắt mở đi qua.

Bà Đỗ Thị Hiền (tổ dân phố 38, phường Láng Hạ) cho biết: "Trong suốt gần một tuần nay, cứ khi nào máy xúc kéo cả mảng tường đổ sập xuống là lúc khói bụi cuộn lên dày đặc. Nhà tôi cách công trình phá dỡ khoảng 300m cũng bị bụi tấn công”.

Thực tế, ô nhiễm bụi không chỉ phát sinh từ các công trình phá dỡ mà còn từ các công trình xây dựng mới. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho thấy, khu vực đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm); Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm)... chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém. Nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số này, trong đó có bụi phát sinh từ các công trình xây dựng...

Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Đinh Quang Thắng, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn quận phát sinh 557 công trình xây dựng có phép. Qua kiểm tra, Đội đã tham mưu cùng UBND các phường, quận... ra quyết định xử phạt 445 trường hợp với tổng số tiền 375 triệu đồng với lỗi vi phạm phổ biến như: Để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, không dọn hết phế thải sau khi thi công, che chắn công trình chưa bảo đảm mỹ quan đô thị...

Các công trình bị xử phạt như: Dự án tòa nhà căn hộ cao cấp bán và cho thuê Thành Công Residence (số 343-345 Đội Cấn, phường Liễu Giai); Dự án chung cư Oriental Plaza (số 16 Láng Hạ, phường Thành Công); các công trình nhà ở riêng lẻ như: Số 176 phố Trấn Vũ (phường Trúc Bạch), số 37 và 77 Sơn Tây (phường Kim Mã)...

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Đội thanh tra chuyên ngành của Sở đã kiểm tra 84 dự án xây dựng. Kết quả cho thấy, còn nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chí về môi trường như gây tiếng ồn, vương vãi đất, bụi bẩn; thiếu rào che chắn...

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Phế thải xây dựng đổ bừa bãi trên vỉa hè đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm).


Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong phá dỡ, thi công các công trình xây dựng đã được quy định rất rõ trong các văn bản. Ví như, trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải lập, thẩm tra phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong quá trình thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, không được sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giới hạn cho phép; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng không khí theo quy chuẩn... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều công trình chưa tuân thủ hoặc tuân thủ nhưng chưa chặt chẽ các quy định.

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ở đô thị lớn như Hà Nội, việc xây dựng, phá công trình cũ để làm các công trình mới diễn ra thường xuyên và liên tục. Nhiều công trình không được che chắn theo quy định; phát tán bụi cả trong và ngoài công trường. Tuy nhiên, số công trình bị phạt nặng hay đình chỉ thi công do gây bụi thì rất ít.

Ông Nguyễn Minh Khoa, cán bộ Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là số lượng các công trình xây dựng rất lớn, trong khi lực lượng chuyên môn chưa bao quát hết công việc. Song, cũng do cơ quan chức năng thực hiện chưa kiên quyết và triệt để, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên...

Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Đinh Quang Thắng cho biết, mặc dù đã chỉ đạo Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn các phường xử lý nghiêm vi phạm về trật tự xây dựng, tuy nhiên, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật trong lĩnh vực này của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị...

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, các tổ chức, cá nhân khi tháo dỡ công trình cần tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường như: Phải che chắn, phun nước để giảm bụi, chỉ được làm trong những khung giờ nhất định và các phương tiện chuyên chở ra vào công trường phải được vệ sinh sạch sẽ. Các đơn vị thi công hè, đường phải nghiêm khắc hơn trong việc "làm gọn, dọn sạch" - không để vương vãi cát, xi măng, phế thải... sau khi thi công.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng theo phân cấp cần tăng cường giám sát, đôn đốc cũng như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi buông lỏng quản lý, không xử lý vi phạm đến nơi, đến chốn... Có như vậy, tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn... từ các công trình xây dựng mới giảm để trả lại môi trường trong lành cho Thủ đô.

Nguyễn Mai - Dạ Khánh