Bài cuối: Cần sự kiên trì, kiên quyết
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 03/12/2018
Hình ảnh đội trật tự các xã, phường, thị trấn hằng ngày đi tuyên truyền, vận động hay xử lý các hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã trở nên quá quen thuộc trong hai năm trở lại đây. Song, có một thực tế đáng buồn là khi lực lượng chức năng rút đi thì vi phạm lại tái diễn như “chưa có việc gì xảy ra”.
Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, trước mắt, cần kiên trì, kiên quyết trong tuyên truyền, vận động kết hợp với kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1) là tuyến phố văn minh đô thị của quận Nam Từ Liêm nhưng còn nhiều hộ dân bày bán hàng hóa tràn lan ra vỉa hè. |
“Chuyện cũ” ở phố mới, đường ven hồ
Với nhiều người ở Hà Nội, sở thích ngồi ăn uống ở vỉa hè đã thành thói quen. Vì vậy, có cầu ắt có cung, hàng quán vỉa hè, hàng rong theo đó mà hình thành. Mặt khác, việc thiếu mặt bằng, địa điểm kinh doanh, lao động không có chuyên môn, thiếu việc làm dẫn đến nhiều người tìm cách lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, mưu sinh.
Cũng vì thế, tại các quận mới như: Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, hay ở các huyện như: Thạch Thất, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa... mặc dù vỉa hè, lòng đường do Nhà nước quản lý, nhưng trên thực tế nhiều hộ đã tự cho mình quyền “sở hữu” riêng.
Thậm chí, chuyện người dân tranh giành, mâu thuẫn nhau chỉ vì đoạn vỉa hè xảy ra "như cơm bữa" ở nhiều nơi. Không ít tuyến đường mới được xây dựng, mở rộng như: Nguyễn Xiển, Tố Hữu…, thậm chí ở những khu đô thị mới cũng bị chiếm dụng để dừng, đỗ phương tiện và để kinh doanh trên hè phố.
Bà Trương Thị Thạch, Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) cho biết: "Vỉa hè đường Tố Hữu rộng nhưng biến thành “thủ phủ” của hoa quả, thức ăn tươi sống như dưa hấu, nho, cam, táo, dừa, thịt trâu tươi… Dưới lòng đường các xe hàng rong cũng tranh thủ bán hàng, khiến con đường trở nên chật chội. Ô tô, xe máy dừng đỗ tùy tiện gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Tại phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), để đáp ứng nhu cầu giao thông, một bên vỉa hè đã được xén đáng kể để mở rộng lòng đường. Chiều rộng vỉa hè nhiều đoạn, vì vậy, chỉ nhỉnh hơn chiều dài chiếc xe máy một chút, nếu không có phương án bố trí, sắp xếp chỗ để phương tiện, kinh doanh hợp lý thì cũng sẽ trở thành vấn đề nan giải như tại khu vực phố cổ, bởi đây là tuyến phố khá sầm uất, mật độ phương tiện qua lại cao. Đó là chưa kể lúc nào dưới lòng đường đoạn rẽ từ Xã Đàn vào Phạm Ngọc Thạch cũng có độ dăm chiếc xe ô tô dừng đỗ.
Cách đó không xa, một đoạn dài ở đầu phố Đào Duy Anh, phía giáp Trường Tiểu học Phương Liên, từ sáng sớm đã xuất hiện dãy ô tô xếp thành hàng đỗ dưới lòng đường, ảnh hưởng tới giao thông ở khu vực, nhất là vào giờ cao điểm.
Không chỉ các tuyến phố bị chiếm dụng, đường dạo một số hồ, sân chơi tại một số khu tập thể cũng bị người dân tận dụng tối đa để đỗ xe, bán hàng rong, hàng cố định. Tại hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa), theo quan sát của phóng viên vào tối 30-11, ngay ở đoạn giáp với đường Lê Duẩn có gần chục quán bán nước, đồ ăn vặt bày la liệt, bàn ghế chiếm hết lối đi. Khoảng sân rộng trước trạm bơm điều hòa thoát nước của hồ cũng bị biến thành nơi bày bán quần áo, trà đá... Cạnh đó, có rất nhiều ô tô, xe máy để lấn đường dạo ven hồ, “đẩy” người đi bộ xuống đường; nhiều ghế đá cũng biến thành chỗ ngồi uống bia của thực khách.
Tương tự, tại đường dạo ven hồ Nam Đồng vào buổi tối, vi phạm diễn ra không kém. Các hộ chủ yếu bán trà đá, đồ ăn vặt. Bà Nguyễn Thị Tình, phố Hồ Đắc Di bức xúc: “Đường dạo bị chiếm gần hết, người dân sống quanh khu vực không còn chỗ đi bộ. Khi có lực lượng chức năng đi xử lý vi phạm, các hộ kinh doanh hô nhau người bê bàn ghế, người bê hàng chạy tán loạn, nhưng chỉ vài phút sau khi lực lượng này đi khỏi thì mọi chuyện đâu lại hoàn đấy...”.
Làm gì để giữ vỉa hè bền vững?
Thực tế cho thấy, hiện "căn bệnh" lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã được chỉ ra, đó là sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi thiếu các bãi đỗ xe tĩnh; thói quen của người dân là thích tiện lợi trong mua bán, sinh hoạt; ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân còn hạn chế; chính quyền còn nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm… Không dễ để tìm ra giải pháp để có thể xử lý dứt điểm tình trạng này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho rằng, cần sắp xếp, cải tạo, quy hoạch lại các tuyến phố có vỉa hè, bố trí thêm điểm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố có mặt cắt trên 7m phục vụ nhu cầu gửi xe của nhân dân. Đối với các đơn vị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải dành quỹ đất đầu tư xây dựng chợ dân sinh, phục vụ nhu cầu của nhân dân, tránh phát sinh “chợ cóc”...
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đẩy nhanh đầu tư, phát triển các loại hình giao thông công cộng để “tiếp sức” kịp thời cho xe buýt, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân; xây dựng đô thị vệ tinh để giãn dân ra vùng ngoại vi…
Đề cập về bất cập trong quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư cần tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của chính quyền địa phương.
Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ như quy hoạch phát triển khu đô thị mới; di dời các cơ quan, công sở ra khỏi nội đô; phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu của người dân; phát triển giao thông tĩnh;… hoàn thành và phát huy tác dụng, trước hết cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trên thực tế, việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Tinh thần quyết tâm cao đó cần được các cấp, các ngành tiếp tục duy trì thực hiện, góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch, đẹp.