Làm việc chưa đến 1giờ/ngày, cần bố trí lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách
Đời sống - Ngày đăng : 17:25, 04/12/2018
Về cải cách hành chính, đại biểu Đỗ Mạnh Hải (tổ đại biểu quận Long Biên) đề nghị tăng cường tuyên truyền việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tới các tầng lớp nhân dân qua hình thức sân khấu hóa, thi tìm hiểu. Việc tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để giao cho tổ chức ngoài nhà nước có thể thực hiện theo 3 nhóm: Thực hiện toàn phần như với các thủ tục công chứng, chứng thực; thực hiện một phần (cấp phép xây dựng, lập hồ sơ ban đầu, thiết kế, thẩm tra) và nhóm ủy quyền thực hiện dịch vụ nhằm giảm tải cho chính quyền cơ sở, phù hợp mô hình chính quyền đô thị mà thành phố đang xây dựng.
"Đề nghị bố trí lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở phường và tổ dân phố. Lực lượng này về số lượng rất lớn. Tại Long Biên lực lượng này có 3.626 người trong khi số giờ làm việc rất ít, bình quân 45h/tháng, ít là 25h/tháng. Như vậy, một ngày họ làm việc không đến 1 giờ và công việc hoàn toàn có thể bố trí kiêm nhiệm. Qua sắp xếp có thể giảm 50% về người và 30% về kinh phí" - Đại biểu Đỗ Mạnh Hải nêu.
Đại biểu quận Long Biên cũng kiến nghị thành phố có cơ chế để cấp quận có thể đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho các đội dân phòng phụ trách về phòng cháy chữa cháy tại khu chung cư, tái định cư; có đề án tổng thể định hướng cấp quận tổ chức thực hiện thành phố thông minh, bảo đảm đồng bộ giữa 3 cấp thành phố, quận và xuống cơ sở; quan tâm để tháo gỡ mạnh mẽ hơn các dự án ngoài ngân sách trong danh mục chậm triển khai...
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) quan tâm đến con số 250.000 doanh nghiệp của thành phố nhưng hiệu quả một số chỉ số hành chính công chưa cao. Việc xử lý của một số sở, ban, ngành vẫn còn hạn chế nhất định. Để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, đại biểu nêu kiến nghị cần cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh kinh tế tri thức, hỗ trợ ứng dụng CNTT, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động hỗ trợ sử dụng các quỹ khoa học công nghệ sẵn có. Thành phố cần có bộ phận chuyên trách và các chuyên gia quốc tế phụ trách lĩnh vực kinh tế thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ đại biểu quận Đống Đa) băn khoăn về việc tỷ lệ giải ngân đối với lĩnh vực khoa học công nghệ rất thấp liệu có phải do việc thực hiện nhiệm vụ này đạt mức thấp. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần làm rõ vấn đề này để năm 2019 thực hiện được tốt hơn.
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa (tổ đại biểu quận Tây Hồ) cho rằng, để đạt mục tiêu GRDP bình quân đầu người như đề ra, cần có giải pháp cụ thể, trong đó lựa chọn một số giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ rào cản phát triển kinh tế, đặc biệt là tập trung phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao như du lịch; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tài sản công và nguồn lực trí tuệ. Giải pháp nữa là kiểm soát tốc độ tăng dân số.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã có sự phát triển như mong muốn nhưng trong ngành Nông nghiệp, cần đặt mục phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2018, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong ngành Nông nghiệp mới đạt 25% trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 35%. Vì vậy, phải đưa giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Vân Hoa, cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng được nguồn vốn của nước ngoài cho phát triển.
Liên quan đến việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Trần Thị Vân Hoa cho rằng, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện rất chậm, cần có giải pháp quyết liệt. Việc tìm ra nguyên nhân, vướng mắc khiến sắp xếp lại doanh nghiệp chậm là rất cần thiết để có kế hoạch giải quyết từng khâu, làm rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, cá nhân cũng như doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm tránh thất thu tài sản nhà nước; áp dụng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại để quản lý tốt doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Lãnh đạo Sở Tài chính làm rõ những vấn đề đại biểu nêu
Làm rõ việc giải ngân chương trình CNTT mà đại biểu nêu, ông Hà Minh Hải- Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đây là chương trình quan trọng. Giai đoạn 2017-2018, việc giải ngân chương trình có những vướng mắc. Vì vậy, các đơn vị liên quan đã báo cáo, tham mưu và đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn. Thành phố giao cho Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tháo gỡ để đẩy mạnh giải ngân trong năm 2018-2019.
Về cổ phần hóa, theo lộ trình, thành phố sẽ thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, thoái vốn 34 doanh nghiệp. Việc triển khai luôn được thực hiện với việc bám sát chủ trương, định hướng của trung ương và chỉ đạo của thành phố
Khi xây dựng phương án, với quyết tâm hoàn thành sớm, mục tiêu được đặt ra cao hơn so với trung ương giao. Đến thời điểm này, ban chỉ đạo tại 15 đơn vị đã được thành lập để tuyên truyền đến người lao động, nắm bắt những vấn đề khó khăn của đơn vị; rà soát lại tất cả quyền lợi người lao động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động để những nội dung còn tồn tại vướng mắc có thể báo cáo kịp thời.
Cũng trong cổ phần hóa, việc rà soát đất đai, tài sản là nội dung lớn, liên quan đến nhiều chính sách, Sở Tài chính đang tập hợp báo cáo xin ý kiến triển khai thực hiện.
Tình hình tài chính là nội dung rất quan trọng khi triển khai xác định giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp. Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thực hiện việc này, nhưng kết quả vẫn chưa đạt được so với kế hoạch và kỳ vọng đặt ra.
Ông Hải cũng cho biết vừa qua đã rà soát 14 đơn vị còn lại, có báo cáo đề xuất để xây dựng lại kế hoạch, trong đó có 9 đơn vị liên quan đến lĩnh vực công ích của thành phố, đề xuất với cấp trên để báo cáo Chính phủ về thời điểm triển khai. Sau khi có phê duyệt của Chính phủ, Sở sẽ tiếp tục xây dựng chi tiết kế hoạch.