Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Chú trọng xây dựng khung chính sách
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 04/12/2018
Trao đổi xung quanh sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam như hiện nay thì việc từng bước hoàn thiện khung chính sách là một nhiệm vụ cần được chú trọng.
Các startup tham dự vòng chung kết Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2018. |
- Thứ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn cũng như những nét mới của Techfest 2018 so với 3 kỳ Techfest trước đây?
- Techfest lần này không chỉ là dịp tổng kết chuỗi hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong năm qua, mà còn là cơ hội đánh giá và lựa chọn được những ý tưởng đổi mới sáng tạo có giá trị nhất trong các hoạt động khởi nghiệp của cả nước. Đây cũng là dịp nhìn lại hoạt động khởi nghiệp thông qua các sự kiện được nhấn mạnh tại Techfest. Đó là Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên, sinh viên để động viên, khuyến khích các bạn trẻ không ngừng đổi mới sáng tạo và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hoạt động khởi nghiệp. Ngoài ra là Diễn đàn cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các bộ, ngành của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp chúng ta hấp thụ những kinh nghiệm của các nước về hoạt động khởi nghiệp. Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này chính là buổi lễ trao giải và tài trợ cho những ý tưởng sáng tạo hay nhất để các tác giả có thể tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…
- Theo kết quả khảo sát của Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có tốc độ khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Theo Thứ trưởng, đánh giá này có phản ánh chân thực hiện trạng khởi nghiệp ở Việt Nam?
- Đánh giá này có phần đúng, bởi hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá mới. Cũng cần nhìn nhận thực tế là ngoài những ý tưởng đổi mới sáng tạo, điều quan trọng đối với các bạn trẻ là phải biết xây dựng kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điểm yếu của các bạn là kế hoạch đặt ra cũng chưa sát với thực tiễn, thiếu các yếu tố để có thể huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, pháp lý… Những điều này chỉ có được thông qua học tập, trao đổi, được những người đi trước truyền đạt, được chia sẻ kinh nghiệm qua các cuộc gặp gỡ với các doanh nhân thành đạt…
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?
- Vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại Việt Nam, những quỹ đầu tư như vậy chưa nhiều. Về mặt chính sách, nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vấn đề này cần được tháo gỡ từ khâu thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài rất mong muốn vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng đổi mới sáng tạo để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.
- Theo Thứ trưởng, vấn đề chính sách cần được tháo gỡ như thế nào để theo kịp tốc độ khởi nghiệp?
- Thời gian vừa qua hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có sự phát triển mạnh. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, trong đó có những vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành…, cần có nhiều thời gian. Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công cho khởi nghiệp được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Nhưng phía Việt Nam cũng phải tính đến nguy cơ trở thành nơi “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh; đồng thời quản lý thật chặt, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ ra nước ngoài. Tất cả những vấn đề đó cần được chú trọng và quản lý một cách phù hợp, để vừa khuyến khích doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm vai trò quản lý của các bộ, ngành.
Chúng ta cũng cần tính toán về vấn đề thuế, không thể đánh thuế các nhà đầu tư dựa trên danh sách đầu tư của họ (không loại ra những dự án họ đã đầu tư nhưng thất bại). Bởi làm như vậy rất khó kêu gọi các quỹ này tiếp tục tham gia đầu tư tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Thanh niên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ tại Techfest 2018 vừa qua, những vấn đề còn bất cập đã được nêu ra để các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng của mình sẽ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho startup trong quá trình phát triển.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!