Những bước tăng trưởng ấn tượng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 04/12/2018
Lắp ráp máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
11 tháng qua, kinh tế Hà Nội tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, ngoài 9 khu công nghiệp đang hoạt động, TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư xây dựng 5 khu công nghiệp, tổng diện tích 817ha. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành quyết định thành lập 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 53,33ha, tổng mức đầu tư 1.171 tỷ đồng; hoàn thành thẩm định 15 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 250ha; đang thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập 9 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 230ha. Hiện, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, với khoảng 3.100 cơ sở sản xuất tạo việc làm ổn định cho khoảng 60.000 người.
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Hà Nội tiếp tục đà phát triển. 11 tháng vừa qua của năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các cơ sở phân phối, với 23 trung tâm thương mại, 134 siêu thị (tăng 9 siêu thị), gần 1.400 cửa hàng tiện lợi (tăng 200 cửa hàng), 80 chuỗi cửa hàng phân phối (tăng 15 chuỗi), 454 chợ và 493 cửa hàng xăng dầu, cùng hàng loạt cửa hàng tiện ích theo chuỗi len vào các khu dân cư, góp phần hình thành thói quen mua sắm văn minh, hiện đại. Sở Công Thương cũng chấp thuận cho 8.741 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn…
Đặc biệt, mức tăng trưởng mạnh về thương mại nội địa là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Với vai trò của mình, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút được những dự án quy mô lớn, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển thương mại của thành phố. Cụ thể: 4 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì với tổng diện tích 30,2ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; 18 dự án thương mại dịch vụ; 3 dự án logistics... Đầu tháng 11-2018, Sở đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Semmaris về khảo sát và xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản quy mô 155ha tại Hà Nội. Đáng chú ý, vấn đề văn minh thương mại và an toàn thực phẩm đã có bước phát triển mạnh. Hà Nội đã có 766 cửa hàng trái cây bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm được gắn biển.
Năm 2019, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp... Trong lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội sẽ chọn lọc các nhóm sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại; “nói không” với các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ thấp; cơ cấu lại ngành Công nghiệp theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...
Trong lĩnh vực thương mại, Hà Nội tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, tạo điều kiện mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại... Phát triển hệ thống logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đưa Hà Nội trở thành đầu mối logistics quan trọng của cả nước và khu vực.
Với những bước tăng trưởng ấn tượng đã đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” trong sản xuất, kinh doanh, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa với các tỉnh, thành phố, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu về kinh tế.