Hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 05/12/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành triển khai hiệu quả những giải pháp đề ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt kết quả khá toàn diện... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức như sức ép lạm phát, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động thấp...
Ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF khẳng định, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách, trong đó chủ yếu thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng quan điểm này, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho biết, khảo sát mới đây với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba trong số đó đã di dời, hoặc đang cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu, trong đó có Việt Nam...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF cho biết, Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng tốc độ thay đổi vẫn chưa đạt yêu cầu. Như vậy, để cải thiện tình hình, cần có sự chuyển động đồng đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Thực tế, lĩnh vực nào càng công khai, minh bạch thì càng được ghi nhận về kết quả cải cách. Đơn cử, tiêu chí thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được đánh giá có chuyển biến nhất, đánh dấu sự nỗ lực của cơ quan liên quan...
Thúc đẩy hợp tác "ba bên"
Tiếp tục tập trung cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới. Ảnh: Nhật Nam |
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự hợp tác của các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước với sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam. Thủ tướng đã lắng nghe các ý kiến và cảm nhận được “ngọn lửa nhiệt huyết” trong các doanh nghiệp...
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018, Việt Nam vẫn thu được những kết quả tích cực, nhờ nỗ lực của cả hệ thống điều hành và doanh nghiệp. Dự tính, GDP Việt Nam năm 2018 ước tăng khoảng 7% - là mức cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, sự hiện diện của một số tập đoàn nổi tiếng như Samsung, Toyota, Intel... cùng nhiều doanh nghiệp là bảo chứng cho sự cải thiện môi trường kinh doanh và sức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Kinh tế vĩ mô duy trì sự ổn định trong khi lạm phát được khống chế, các nguồn thu được bảo đảm. Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết, năm nay, ước tính sẽ có thêm 130.000 doanh nghiệp thành lập mới và đó là minh chứng cho sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Chính phủ ủng hộ doanh nghiệp, tự tin có thể “ươm mầm” cho doanh nghiệp ra đời, phát triển... Một số sản phẩm, nhất là nông sản Việt, đã tạo dựng được uy tín, có mặt tại nhiều thị trường xuất khẩu, với kim ngạch đáng ghi nhận.
Nhấn mạnh Việt Nam đang tham gia dòng chảy thương mại thế giới theo hướng tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019, dự báo kinh tế thế giới vẫn đan xen thách thức và cơ hội, Việt Nam sẽ chủ động tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như trở thành cửa ngõ giao thương. Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo kết hợp bản sắc dân tộc, đồng thời tạo ra sự khác biệt và làm giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế.
Năm 2019, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện cải cách toàn diện, vì doanh nghiệp, cũng như quản lý tốt nợ công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới doanh nghiệp nhà nước... Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải cách thuế... Doanh nghiệp phải là mục tiêu ưu tiên nhất. Chính phủ sẽ quan tâm cho phát triển hệ thống hạ tầng, thiết lập nền tảng hỗ trợ nền kinh tế số, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và bảo đảm tự do thương mại...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công, cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả "ba bên". Trước hết, phát huy lợi thế so sánh, sáng tạo không ngừng thay vì tâm lý trông chờ, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ hiện đại để tăng năng lực cạnh tranh. Thứ hai, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài cần cởi mở, thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng linh kiện. Thứ ba, Chính phủ chủ động thể hiện vai trò kiến tạo, đồng hành vì doanh nghiệp thông qua giữ ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô để tạo ra lợi thế so sánh trong bối cảnh thế giới biến động, đồng thời sẽ khơi thông các điểm nghẽn...