Chính phủ sẽ tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 06/12/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tặng khung chính sách kinh tế Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới tại diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018. |
Đây là diễn đàn thay thế diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), sự kiện được tổ chức đầu tiên cách đây 25 năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cách tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh... Việt Nam đang đứng trước yêu cầu là phải đổi mới, cải cách căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên.
“Vì vậy, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85%/năm trong giai đoạn 2018-2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố khung chính sách kinh tế Việt Nam với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035, với GDP bình quân 10 nghìn USD/người/năm. Trọng tâm cải cách sẽ gồm 6 nội dung: Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng quốc tế với phát triển kinh tế thời gian qua và nhấn mạnh khát vọng đi tới thịnh vượng của Việt Nam. Diễn đàn này là dấu mốc cho sự chuyển mình của Việt Nam, từ một nước nhận viện trợ tiến lên thành nước có thu nhập trung bình, tự tin hội nhập và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng thế giới. Thủ tướng cũng nhắc nhở niềm tin của doanh nghiệp, các đối tác trong phát triển kinh tế “có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra ba điểm nghẽn để chuyển hóa thành đột phá chiến lược cho thời gian tới là: Trước hết, Chính phủ sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ số; đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ.
Thứ hai, xác định nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công kinh tế trong tương lai cũng như tìm cách gia tăng chất lượng nhân lực phục vụ tăng trưởng bền vững; Con người vừa là động lực, là mục tiêu của sự phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không khả thi nếu thiếu vắng con người 4.0.
Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ số để gia tăng kết nối các yếu tố về con người, tài nguyên của nền kinh tế...
Thủ tướng cũng chỉ ra 2 động lực mới trong thập niên tới, gồm: Thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp theo là hỗ trợ, thúc đẩy, phát huy tiềm lực cho doanh nghiệp tư nhân, coi đó là đòn bẩy quan trọng cũng như tạo ra sự linh hoạt trong phát triển kinh tế; hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020... Chính phủ luôn lắng nghe, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, nhất là đối với lớp trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ năm 2019, Chính phủ chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045.