Mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 10/12/2018
Nhà máy Nước sạch Phú Sơn cung cấp nước cho người dân trên địa bàn huyện Ba Vì. |
Hoạt động giai đoạn I từ đầu năm 2018 đến nay, Nhà máy Nước sạch Ba Vì đã cấp nước cho 15.109 hộ dân của 11 xã thuộc huyện Ba Vì. Đại diện Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì (chủ đầu tư dự án) - ông Nguyễn Thế Khánh cho biết, đơn vị đang đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn II, nâng công suất lên 60.000-100.000m3/ngày-đêm. Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2020 và cấp nước sạch cho toàn huyện Ba Vì; đồng thời, bổ sung nguồn cấp cho thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ...
Không riêng Ba Vì, mạng lưới cấp nước sạch nông thôn cũng đã được phủ kín tại 16/21 xã, thị trấn của huyện Quốc Oai. Hai đơn vị là: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải và Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam đã phát triển mạng lưới đường ống, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho 79% số hộ dân (khoảng 37.522 hộ).
Còn tại huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đã đạt 81,6%. Thanh Trì phấn đấu trong năm 2019 sẽ có 100% số hộ được dùng nước sạch.
Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, khu vực nông thôn Hà Nội (18 huyện, thị xã) có khoảng 4,280 triệu dân, đến hết tháng 11-2018, đã có khoảng 2,312 triệu người (với 550.510 hộ) được sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch, đạt tỷ lệ gần 55%.
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2018, một số dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành (dự án cấp nước cho 4 xã của huyện Mê Linh; cấp nước cho 3 xã của huyện Thanh Trì; cấp nước cho huyện Phú Xuyên; cho các xã huyện Gia Lâm…) để cấp nước cho hơn 2,375 triệu người (với 593.957 hộ), nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn tới hơn 55,5% (so với kế hoạch năm 2018 là 55%) vượt 0,5% so với kế hoạch.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án cấp nước nông thôn, UBND thành phố đã hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; UBND thành phố kiểm soát về công nghệ, chất lượng nước, bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân. Đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức...
UBND thành phố giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ thủ tục đầu tư, bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn. Trong quá trình thực hiện, cho phép nhà đầu tư vừa khảo sát, vừa thiết kế và thi công ngay khi thiết kế được duyệt.
Tuy vậy, hiện nay nước sạch nông thôn vẫn còn một số khó khăn. Đại diện Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì Nguyễn Thế Khánh cho biết, suất đầu tư cho nước sạch nông thôn rất lớn (do mật độ dân cư thưa); tỷ lệ người dân đấu nối và sử dụng nước sạch thấp nên hiệu quả không cao. Cụ thể, Nhà máy Nước sạch Ba Vì hiện có khả năng cấp nước đạt 10.000m3/ngày-đêm nhưng người dân mới sử dụng hết khoảng 2.100m3/ngày-đêm.
Tương tự, mạng lưới nước sạch trên địa bàn huyện Quốc Oai đã sẵn sàng đáp ứng cho 79% số hộ dân, nhưng mới có khoảng 46,2% số hộ dùng nước sạch; còn lại vẫn dùng nước giếng khoan, nước mưa. Một số thôn có tỷ lệ dùng nước sạch chỉ đạt 2,2-3,8% tổng số hộ như thôn 2 và thôn 3 (xã Cộng Hòa); thôn Phú Hạng (xã Tân Phú) đạt 7,2% tổng số hộ; thôn Đông Lư (xã Đồng Quang) đạt 8,2%...
"Để phát huy hiệu quả các dự án cấp nước sạch, thành phố đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe; sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích; thường xuyên đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực khẩn trương hoàn thành các dự án cấp nước đã được UBND thành phố phê duyệt; giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư" - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.