Kiểm soát tai nạn, ùn tắc giao thông dịp cuối năm
Giao thông - Ngày đăng : 06:52, 10/12/2018
Tại vòng xoay Phú Hữu (hướng vào Cảng Phú Hữu, quận 9), mỗi ngày các loại xe tải nặng, xe ben, xe bồn, xe container lưu thông dày đặc. Một số hộ dân sống trên các tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp… cho hay, lượng xe chạy vào buổi sáng và chiều nhiều đến nỗi xếp hàng dài, chiếm hết mặt đường, khiến xe máy rất khó lưu thông. Điều đáng nói, điểm giao thông này đang trở thành điểm đen khi xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người từ đầu năm đến nay. Trong khi, các điểm nóng ùn tắc giao thông như Xa lộ Hà Nội, đoạn từ trạm thu phí đến cầu Rạch Chiếc; cầu Bình Triệu đến Bến xe Miền Đông; đường Trường Sơn… luôn trong tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân.
Theo số liệu thống kê do Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2017, thành phố có 17 điểm đen tai nạn giao thông. Trong năm 2018 phát sinh 6 điểm và hiện đã xóa được 8 điểm, còn 15 điểm đen. Về các điểm ùn tắc giao thông, cuối năm 2017 có 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, hiện đã xóa được 6 điểm nên thành phố còn 28 điểm ùn tắc.
Bàn về giải pháp, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần thực hiện các giải pháp tổng thể như: Thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông từ các nguồn lực xã hội bằng nhiều chính sách thông thoáng; quy hoạch chi tiết và khoa học với từng khu vực; đồng bộ và kết nối với các loại hình, phương tiện giao thông...
Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải; cung cấp thông tin trực tuyến nhằm hướng dẫn người dân tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố) cho biết, từ nay đến cuối năm 2018 và năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục xử lý 28 điểm ùn tắc giao thông với hai nhóm giải pháp là phi công trình và công trình.
Với giải pháp phi công trình, trước hết là nâng cao năng lực quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu; kiểm soát việc phát triển các khu tập trung đông người có nguy cơ gây ùn tắc; rà soát, tối ưu mạng lưới và dành quỹ đất hợp lý cho vận tải hành khách công cộng; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng; kiểm soát lưu thông phương tiện cá nhân; xây dựng trung tâm điều hành giao thông thành phố...
Về giải pháp công trình, tập trung đầu tư xây dựng một số nút giao trọng điểm, khép kín Vành đai 2, các tuyến đường cửa ngõ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bãi đỗ xe thông minh khu vực trung tâm thành phố.
Về các điểm hay gây tai nạn giao thông, phải cải tạo kích thước hình học nhằm giải quyết các điểm đen; nghiên cứu điều chỉnh phân luồng giao thông nhằm giải quyết 2 điểm đen tại giao lộ Đỗ Xuân Hợp - đường số 1 và vòng xoay Phú Hữu - đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9); cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn bảo đảm an toàn giao thông tại các giao lộ, đoạn cong nguy hiểm…
Để công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn đạt kết quả tốt dịp cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Trong đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông; đưa việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực này là một tiêu chí đánh giá chất lượng của cá nhân, tổ chức, đoàn thể, địa phương vào cuối năm nay.