Nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:09, 10/12/2018

(HNM) - Đến thời điểm cuối năm 2018, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vẫn diễn ra sôi động theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương.


Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng qua, cả nước đã có thêm 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.234 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký bình quân của một đơn vị mới thành lập đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Như vậy, bản thân các con số trên đã thể hiện xu hướng tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp và lượng vốn huy động trong xã hội. Doanh nghiệp mới thành lập gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh...

Một số trung tâm kinh tế, đô thị lớn tiếp tục là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp ra đời như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương... Riêng ở Hà Nội, đã có thêm 23.667 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 270 nghìn tỷ đồng; tăng 3% về số doanh nghiệp, tăng tới 46% so với cùng kỳ. Có thể khẳng định, Hà Nội là một trong số ít địa phương đi đầu về phát triển doanh nghiệp, xuất phát từ hiệu quả trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển...

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tham gia thị trường là nội dung quan trọng, được Chính phủ nhất quán chỉ đạo trong thời gian qua và đạt kết quả đáng khích lệ.

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ra đời tiếp tục tăng khá, nhất là kết quả huy động vốn mới để “bơm” vào nền kinh tế ngày càng tăng. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã, đang chuyển động rõ nét; trong đó thủ tục đăng ký kinh doanh và tiếp cận nguồn điện, đấu nối với hệ thống điện nổi lên là hai tiêu chí có sự cải thiện tiêu biểu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của cán bộ cũng được nâng lên một bước...

"Trên thực tế, việc chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan cũng đạt kết quả tích cực, được nhiều đơn vị ghi nhận. Sự cầu thị của chính quyền một số địa phương còn được biết đến thông qua việc duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp. Đã có trường hợp chính quyền gửi thư chia sẻ, xin lỗi doanh nghiệp khi chưa giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của họ; từ đó tạo niềm tin cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh..." - ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho rằng, trong quá trình hoạt động của đơn vị, nhất là khi giao tiếp với cơ quan chức năng có thể nhận thấy sự chuyển tích cực trong đội ngũ cán bộ với tinh thần phục vụ, cung cách làm việc cũng như năng lực chuyên môn được cải thiện đáng kể. Điều đó đã mang lại hiệu quả thật sự, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp nói chung.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, yêu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình, đòi hỏi sự liên tục, cũng như không dễ thực hiện. Đến nay, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn, còn khoảng cách so với một số nước khu vực, nhất là so với mong đợi của doanh nghiệp. Vì vậy, dư địa cho cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn nhiều, đồng thời đặt ra yêu cầu cần có sự nỗ lực, kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan chức năng.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp cũng như mục tiêu phục vụ doanh nghiệp tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2018" vừa qua. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh khát vọng đi tới thịnh vượng, đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, sánh vai cùng các nền kinh tế phát triển.

Điều đó phụ thuộc vào sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu tăng cường chất lượng hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp của hệ thống cơ quan chức năng. Những việc liên quan đến doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp phải được quan tâm và ưu tiên hàng đầu...

Hồng Sơn