Dành khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực Tây Nguyên
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 10/12/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về giải pháp ổn định dân di cư tự do. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ năm 2005 đến nay là 66.738 hộ. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, diễn biến tình hình dân di cư tự do trong những năm gần đây đã giảm mạnh.
Số hộ đã ổn định cuộc sống khoảng hơn 42.000 hộ, song đến nay vẫn còn 24.000 hộ dân di cư tự do (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 22.000 hộ) chưa được bố trí, sắp xếp ổn định. Giai đoạn 2013-2017, cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định được 17.510 hộ dân di cư tự do.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình trạng di dân tự do là hiện tượng xuất hiện trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Do đó, “vấn đề đặt ra là cần làm như thế nào để tình trạng di cư giảm xuống hơn nữa; quản lý tốt đất đai nông, lâm trường” để “đất có dân, dân có đất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng định hướng việc giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế, xã hội. “Mục đích cuối cùng là làm sao để người di cư có cuộc sống ổn định, phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đây là cụ thể hóa chính sách dân tộc, duy trì tinh thần đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Chỉ ra thêm những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới với lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc còn trên 100 nghìn dân di cư chưa được đăng ký hộ khẩu; nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đến vấn đề này mà phần lớn chỉ là các địa phương. Đồng thời, còn trên 20 nghìn hộ chưa được sắp xếp, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, mức sống thấp. Việc bố trí nguồn lực kinh phí từ ngân sách trong lĩnh vực này chưa được quan tâm. Công tác quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường còn chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng “phát canh thu tô”.
Nhắc lại quan điểm không khuyến khích di cư tự do, Thủ tướng đề nghị giữ dân tại chỗ thông qua tăng cường phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Đối với những người đã di cư thì huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, lo sinh kế cho người dân, có biện pháp quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm phức tạp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm thiểu tối đa tình trạng dân di cư tự do; ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách. Cùng với đó là hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cử cán bộ trực tiếp đến cơ sở để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt là các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hỗ trợ dân di cư tự do và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp để đồng bào hiểu, thực hiện và giám sát các cơ quan, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; cơ chế, chính sách về bố trí ổn định dân cư; bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. “Đây là chính sách mang tính căn cơ nhất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần có đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại.
Trước mắt, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương trong hai năm 2019-2020 cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư (khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng).
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa phù hợp với chủ trương, định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Để bảo đảm các mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, cấp cơ sở và người đứng đầu.
“Địa phương nào để xảy ra vi phạm quy định, khiếu nại, khiếu kiện, nhất là điểm nóng thì các đồng chí bí thư, chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân, tạo đồng thuận, không để thành điểm nóng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.