Lạm dụng ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV trong giới trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 17:33, 11/12/2018

(HNMO) - Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam dù đang có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long đã trao đổi với báo chí về vấn đề này Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 (10/11-10/12).

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng

Trong 9 tháng năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.514 trường hợp, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (chiếm 38%) và 30 – 39 (chiếm 36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%).


Ước tính trong số người nhiễm mới HIV trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi và trẻ em nhiễm mới là 268 trẻ. Số người nhiễm mới là người lớn giảm 64% so với năm 2010. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng/bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ/bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao, như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại do khó xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm.

Sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) nói riêng đang là một vấn đề khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Với xu hướng ra đời liên tục của nhiều loại ma túy tổng hợp mới cũng như sự gia tăng số người lạm dụng ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe và xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.

Lạm dụng ATS không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, đặc biệt là làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Một số người bệnh có rối loạn tâm thần và đó cũng là những tác động tiêu cực dễ thấy và là nguyên nhân của tình trạng bệnh và tử vong cao ở người lạm dụng ATS.

Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì vậy trong thời gian qua, Cục đã mời các chuyên gia quốc tế đến để chia sẻ các can thiệp hiệu quả cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp.

Can thiệp sớm và chống kỳ thị kép với nhóm có quan hệ đồng tính nam

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, trong thời gian gần đây, tình hình nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ đồng tính nam (MSM) có chiều hướng gia tăng, nhất là nhóm MSM trẻ.

Kết quả Giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm MSM là 12,2% và phụ nữ bán dâm là 3,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy thay đổi không đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015 lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017. Cá biệt, có tỉnh, thành phố tăng lên tới 14 hoặc 16%.

Với kết quả theo dõi xu hướng dịch trong nhóm MSM như vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng các chuyên gia có kinh nghiệm tiến hành các khảo sát nghiên cứu về ước tính quần thể MSM ở Việt Nam. 

“Để lập kế hoạch can thiệp, chúng ta phải ước tính được cỡ mẫu quần thể, rồi nghiên cứu đặc điểm nhân khẩu hành vi của nhóm này để tìm ra các hành vi nguy cơ, từ đó can thiệp có hiệu quả”, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Hiện nay, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang xây dựng hướng dẫn quốc gia can thiệp cho nhóm này. Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, điều quan trọng nhất là phải cung cấp được các dịch vụ can thiệp dự phòng phù hợp cho nhóm này, ví dụ như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại thân thiện, phù hợp….. Có thể nói, việc kỳ thị kép với nhóm MSM (về giới tính, HIV/AIDS) đang là trở ngại lớn cho nhóm này trong việc tiếp cận dịch vụ. Do vậy, các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử cho nhóm MSM cũng cần được quan tâm đầy đủ.

Tuyết Minh