“Abbott cam kết lâu dài trong việc chăm sóc sức khoẻ người dân Việt Nam”

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:44, 11/12/2018

Ông Douglas Kuo, Tổng Giám đốc Abbott Việt Nam


Ông có thể chia sẻ về quyết định hợp tác của Abbott với Bộ Y tế trong dự án “Phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”?

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan nhà nước, cũng cần những đóng góp tích cực từ doanh nghiệp. Là công ty chăm sóc sức khoẻ toàn cầu với lịch sử hơn 130 năm, chúng tôi nhận sứ mệnh giúp đỡ mọi người trên thế giới có cuộc sống trọn vẹn nhất bằng những sản phẩm và chương trình chăm sóc sức khoẻ cho người dân toàn cầu.

Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, Abbott luôn nỗ lực thực hiện cam kết lâu dài trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt. Chúng tôi tự hào là một doanh nghiệp điển hình với những sáng kiến góp phần giải quyết các thách thức về chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân Việt Nam. Không chỉ tạo ra các sản phẩm đột phá trong nhiều lĩnh vực chẩn đoán y khoa, thiết bị y tế, dinh dưỡng và dược phẩm…, Abbott còn hợp tác với các đối tác đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết thách thức chăm sóc sức khoẻ cho người dân Việt.

Tại Việt Nam, tình trạng đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) đang có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ 20% phụ nữ mang thai mắc ĐTĐTK năm 2017 (tức cứ 5 thai phụ lại có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ) là một con số đáng báo động. Chưa kể, nhận thức của thai phụ cũng như cộng đồng về căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Đứng trước thực trạng này, Abbott đã quyết định hợp tác với Bộ Y tế trong chương trình “Phòng ngừa và Quản lý ĐTĐTK, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam”. Đây là bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Abbott và Bộ Y tế góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Xin ông cho biết các hoạt động cụ thể mà Abbott sẽ kết hợp cùng Bộ Y tế thực hiện trong chương trình này?

Đầu tháng 2-2018, Công ty Abbott đã ký kết văn bản ghi nhớ cho quan hệ đối tác chiến lược trong sáng kiến “sàng lọc, chẩn đoán và quản lý ĐTĐTK” cùng Bộ Y tế. Đến tháng 10-2018, “Hướng dẫn quốc gia về kiểm soát và dự phòng ĐTĐTK trong ngắn và dài hạn” đã được xây dựng thành công với sự đóng góp của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đang công tác trong lĩnh vực thai phụ khoa, nội tiết và dinh dưỡng... Cuối tháng 10-2018, các buổi Hội thảo phổ biến Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát ĐTĐTK dành cho các nhân viên y tế bắt đầu được tiến hành tổ chức lần lượt tại 3 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ông Douglas Kuo tại Hội thảo Phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ tại TP Hồ Chí Minh


Cho các hoạt động tiếp theo, Abbott sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng chương trình giảng dạy và tài liệu tập huấn cấp quốc gia về kiểm soát và dự phòng ĐTĐTK; đồng thời cung cấp chẩn đoán và quản lý đào tạo các nhân viên y tế về ĐTĐTK, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng cụ thể cho thai phụ mắc ĐTĐTK. Dự kiến trong năm đầu tiên, chương trình sàng lọc, chẩn đoán và cung cấp giải pháp dinh dưỡng chuyên biệt được chứng minh lâm sàng giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, giảm thiểu tai biến sản khoa và cải thiện chỉ số sơ sinh để giúp mang đến một thai kỳ khỏe mạnh - mẹ tròn con vuông sẽ được triển khai tại 15 bệnh viện sản và đa khoa lớn với kỳ vọng mang lại lợi ích cho 75.000 người, góp phần giúp giảm tỷ lệ mắc ĐTĐTK ở Việt Nam.

Chương trình mới đi được những chặng đường đầu tiên nhưng đã thu về những kết quả khả quan. Thông qua các buổi Hội thảo, lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện cũng như các cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trên toàn quốc đã được cập nhật thêm nhiều kiến thức và hiểu rõ được tầm quan trọng của ĐTĐTK, từ đó có kế hoạch triển khai tầm soát, tư vấn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ hiểu biết về dự phòng và kiểm soát ĐTĐTK. Điều này càng làm cho chúng tôi có thêm niềm tin mạnh mẽ trong nỗ lực đồng hành cùng Bộ Y tế đẩy lùi căn bệnh ĐTĐTK nói riêng và những nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân Việt.

Ngoài các chương trình hợp tác với Bộ Y tế, Abbott có các chương trình nào khác? Các chương trình này đã tác động như thế nào trong việc nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam?

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Abbott vinh dự hợp tác với Bộ Y tế trong việc giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ở quy mô quốc gia thông qua nhiều chương trình về các lĩnh vực quan trọng như: sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng lâm sàng, an toàn thực phẩm… Các chương trình này được các chuyên gia y tế đánh giá cao và mang lại lợi ích hữu hình cho các chuyên gia y tế cũng như người dân Việt Nam.

Chẳng hạn, chương trình “Nâng cao tình trạng Dinh dưỡng cho Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú” là một trong những niềm tự hào của chúng tôi. Với nền tảng chuyên môn về khoa học dinh dưỡng, Abbott đã hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn cho Bộ Y tế cùng các chuyên gia dinh dưỡng nhằm xây dựng Hướng dẫn Dinh dưỡng Quốc gia cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú, tổ chức một loạt hội thảo để phổ biến Hướng dẫn đến các bệnh viện trên toàn quốc.

Ngoài ra, năm 2016, Abbott đã hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng dự án “Nâng cao chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện”. Dự án này là một phần của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng của Việt Nam, tập trung vào việc phát triển chương trình cải tiến chất lượng (QIP) cho dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện. Đến nay, QIP đã được triển khai tại 15 bệnh viện lớn trên toàn quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm giúp giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở khu vực nông thôn, Quỹ Abbott hợp tác với AmeriCares để hỗ trợ Chương trình dinh dưỡng trẻ em của Tổ chức Nhân đạo Giao Điểm. Kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2004, chương trình đã hỗ trợ hơn 25.000 trẻ. Chương trình đã giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của các trẻ được chương trình tiếp cận xuống dưới 20% so với Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Tổng cộng, Abbott và Quỹ Abbott đã đóng góp hơn 230 tỷ đồng (tương đương 10.2 triệu đô la Mỹ) bằng tiền và sản phẩm để giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn và xây dựng cộng đồng khoẻ mạnh hơn.

Xin cám ơn ông!

PV