Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nấc thang căng thẳng mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 11/12/2018
Bà Mạnh Vãn Chu đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại TP Vancouver hôm 1-12 và đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Trong phiên tòa ngày 7-12 tại Vancouver, các công tố viên tuyên bố CFO của Huawei đối mặt các cáo buộc che giấu mối liên hệ với công ty bán thiết bị cho Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này. Nhà lãnh đạo của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang đối mặt với mức án cao nhất là 30 năm tù với các cáo buộc kể trên.
Tập đoàn Công nghệ Huawei có thể sẽ tiếp tục hứng chịu những hành động trừng phạt từ Mỹ. |
Huawei là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc với doanh số cho dòng điện thoại thông minh thậm chí đã vượt hãng Apple. Tuy nhiên, từ lâu công ty này đã bị tình báo Mỹ xem như một mối đe dọa với an ninh quốc gia. Lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng 2-2018 đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty này.
Thông tin về việc Huawei đang bị cơ quan công tố New York điều tra vì tình nghi vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran được truyền thông Mỹ đưa tin lần đầu vào tháng 4-2018. Vấn đề này rộ lên sau khi Washington kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc là Tập đoàn ZTE với các cáo buộc liên quan đến việc bán thiết bị ở Iran. ZTE đã bị áp lệnh trừng phạt sau khi Chính phủ Mỹ xác định tập đoàn này đã vi phạm các thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran, Triều Tiên vào năm 2017. Tiếp đó, doanh nghiệp này còn không tuân theo các biện pháp khắc phục do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt.
Sự việc trên cho thấy lĩnh vực công nghệ đang là trung tâm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố các hàng rào thuế quan áp lên hàng Trung Quốc là một phần trong nỗ lực ngăn chặn quốc gia này có được các công nghệ của Mỹ. Giới chức Washington cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng những biện pháp không minh bạch như hoạt động tội phạm công nghệ cao hay buộc các công ty Mỹ giao lại bí mật thương mại. Vì vậy, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một trong những động thái mạnh mẽ nhất của Mỹ chống lại Huawei. Washington có thời hạn 60 ngày để yêu cầu Canada dẫn độ con gái của người sáng lập tập đoàn danh giá này và Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định có thực hiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu hay không.
Với vị thế của Huawei, Trung Quốc có thể xem đây như "vụ tấn công" vào một biểu tượng của nền kinh tế nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và Canada “ngay lập tức sửa sai” và khôi phục “tự do cá nhân” cho bà Mạnh Vãn Chu. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả và chính quyền Tổng thống D.Trump có thể chuẩn bị các động thái khác nhằm vào lợi ích của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc có hành động trả đũa Canada mạnh mẽ thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington chưa hạ nhiệt.
Như vậy, sự kiện bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không chỉ thuần túy là "việc riêng" của Huawei, mà thực chất là cuộc chiến thương mại công nghệ cao liên quan đến chiến lược an ninh mạng và an ninh quốc gia của Mỹ cùng phương Tây. Quan ngại hơn, vụ việc không chỉ khoét sâu bất đồng giữa hai cường quốc trong các vấn đề như thương mại, công nghệ mà còn có nguy cơ đẩy cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng đi xa.