Thiếu than cho sản xuất điện: Bài học từ điều hành
Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 11/12/2018
Khả năng thiếu điện rất cao
EVN cho biết, hiện nay, hệ thống điện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành an toàn, liên tục và ổn định. Cụ thể, tổng sản lượng phụ tải điện quốc gia dự kiến 2 tháng cuối năm 2018 ước đạt 37,5 tỷ kWh, cao hơn 600 tr.kWh so với kế hoạch năm 2018.
Trong khi đó, các hồ thủy điện trong hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Trung, mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng mực nước của nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết với lưu lượng nước về thấp nhất trong chuỗi thủy văn từ trước đến nay.
Tổng sản lượng thủy điện theo nước về của 2 tháng cuối năm 2018 trên toàn hệ thống thấp hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018 (tần suất 65%). Hơn nữa việc suy giảm khả năng cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn cũng làm cho sản lượng điện từ khí bị hụt 810 triệu kWh trong 2 tháng.
Để bù phần sản lượng điện 2,9 tỷ kWh thiếu hụt, EVN phải huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có với sản lượng dự kiến 2 tháng cuối năm đạt 10,1 tỷ kWh, tăng 1,47 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018. Nhưng, ngay cả khi huy động tối đa như vậy thì mức nước các hồ thủy điện cuối năm cũng sẽ bị giảm thấp không đảm bảo đủ nước cho cung cấp điện năm 2019.
Vì nhu cầu huy động nhiệt điện than cao như vậy, nên từ đầu tháng 10 đến nay, lượng than cung cấp cho các Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) liên tục sụt giảm dẫn đến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng và phải ngừng máy.
Cụ thể, trong tháng 10, tổng khối lượng than cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 2,15 triệu tấn, thấp hơn so với tổng khối lượng tiêu thụ là 2,26 triệu tấn. Từ đầu tháng 11 tới nay, tổng khối lượng than cấp là 1,683 triệu tấn, thấp hơn so với tiêu thụ là 1,914 triệu tấn. Tổng khối lượng than thiếu hụt từ đầu tháng 10 cho tới nay là 342.334 tấn nên các nhà máy phải huy động khối lượng than dự trữ trong kho.
Tình hình cấp than cho các NMNĐ càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy trong một số ngày gần đây đã bị giảm xuống rất thấp. Theo EVN, đến hết ngày 21-11-2018, NMNĐ Quảng Ninh chỉ còn 12.929 tấn than (đủ 1 ngày vận hành), NMNĐ Hải Phòng còn 52.286 tấn (khoảng hơn 4 ngày vận hành), NMNĐ Mông Dương 1 còn 62.807 tấn (khoảng 5 ngày vận hành), NMNĐ Nghi Sơn 1 còn 61.019 tấn (khoảng 5 ngày vận hành).
Do lượng than cung cấp thiếu hụt kéo dài nên một số nhà máy đã phải giảm công suất hoặc ngừng hẳn các tổ máy. NMNĐ Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3-11; NMNĐ Nghi Sơn phải giảm công suất 2 tổ máy về mức tối thiểu từ 0h ngày 22-11; NMNĐ Quảng Ninh phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 31-10 và ngừng hẳn 2 tổ máy từ ngày 17-11; NMNĐ Hải Phòng phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 19-11 và ngừng hẳn 1 tổ máy từ ngày 22-11. Các NMNĐ Mông Dương 1, Nghi Sơn 1 cũng trong tình trạng thiếu than.
Tổng công suất thiếu hụt do các NMNĐ than phải ngừng/giảm công suất là khoảng 2.300 MW (tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung).
Để đảm bảo vẫn cung cấp đủ điện liên tục, ổn định, EVN buộc phải huy động thêm các nhà máy thủy điện trong điều kiện nước về các hồ rất thấp hiện nay. Việc này sẽ dẫn tới giảm mức nước dự trữ cuối năm của các hồ thủy điện với tổng sản lượng hữu ích còn lại cuối năm 2018 chỉ là 11,1 tỷ kWh, thấp hơn 3,81 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường.
Căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện (HTĐ) quốc gia năm 2019, trong điều kiện các hồ thủy điện tích đủ nước đến mực nước dâng bình thường, các NMNĐ được cung cấp đủ than và ở mức khả dụng cao nhất thì hệ thống điện đã phải huy động tối thiểu 1,7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu để cung cấp đủ điện. Do đó, việc các nhà máy thủy điện không tích đủ nước theo kế hoạch để chuẩn bị cho năm 2019, cùng với sản lượng các nhà máy nhiệt điện khí cũng bị giảm do các nguồn cung cấp khí hiện nay đã bước vào giai đoạn suy giảm thì toàn bộ sản lượng điện thiếu hụt sẽ phải huy động bổ sung từ các NMNĐ than.
Tổng nhu cầu than cho phát điện trong năm 2019 theo kế hoạch vận hành HTĐ quốc gia là 54 triệu tấn, trong đó than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và than nhập khẩu là 10,68 triệu tấn. Riêng nhu cầu than trong mùa khô là 28,3 triệu tấn, trong đó 23 triệu tấn sản xuất trong nước và 5,24 triệu tấn than nhập khẩu. Vì vậy, nếu thiếu than nữa thì khả năng thiếu điện trong mùa khô năm 2019 là rất cao.
Nguyên nhân chính là thay đổi cung - cầu
TKV cho biết, trên cơ sở thực hiện năm 2017, dự báo thị trường, năng lực sản xuất và tồn kho, TKV xây dựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao. Nguyên nhân chính của sự thay đổi cung - cầu so với năm 2017 và các năm trước là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.
Nguyên nhân thứ hai là do giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/ tấn tùy chủng loại. Vì vậy, các hộ tiêu thụ như: Điện, xi măng, hóa chất, thép đã chuyển sang mua than từ TKV thay cho nhập khẩu dẫn đến cung - cầu thay đổi nhanh.
Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc nhiều NMNĐ cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.
Để đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ tăng mạnh, TKV đã triển khai nhiều giải pháp: Huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1; điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai; Phát động thi đua 90 ngày đêm sản xuất, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác.
Kết quả, than tiêu thụ 11 tháng của TKV đạt 37,39 triệu tấn, bằng 103,9% kế hoạch (đạt 95,9% kế hoạch điều chỉnh) và bằng 117% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cung cấp than cho các NMNĐ trong 11 tháng năm 2018 đạt 26,9 triệu tấn, vượt kế hoạch cả năm (103%) và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nay, TKV đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ năm 2018 được giao. Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, TKV thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các nhà máy điện.
Dự kiến, sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2018 là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn tăng 5,4 triệu so với thực hiện 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than).
Theo hợp đồng năm 2018 giữa TKV và Nhiệt điện Quảng Ninh, TKV cung cấp 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh. Đến nay, TKV đã cấp cho Nhiệt điện Quảng Ninh: 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Phần tăng thêm, trong tháng 12-2018, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn. Dự kiến, cả năm 2018 là 2,830 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.
Bài học về điều hành
Với những diễn biến về tình hình thiếu than cho sản xuất điện và cung ứng than cho sản xuất điện của EVN và TKV như trên, điều dễ nhận thấy ở đây là công tác điều hành của các cơ quan quản lý cấp cao hơn.
Ngành Than trong nước chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của nguồn than nhập khẩu có giá thấp hơn trong ngắn hạn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân mà có hộ tiêu thụ than trọng điểm chưa ký hợp đồng mua bán than dài hạn.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc mua nguyên liệu với giá rẻ hơn để giảm chi phí đầu vào cũng là điều dễ hiểu và thuận theo nguyên tắc của kinh doanh. Ai dám đảm bảo, không có nghi vấn về lợi ích riêng tư khi các NMNĐ mua than cho sản xuất điện với giá cao trong khi có nguồn giá thấp hơn.
Vì vậy, để đảm bảo lợi ích cung cấp than ổn định trong lâu dài với giá cả hợp lý, hai bên cùng có lợi, cần có sự điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than phải phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, cơ chế sản xuất than trong nước đang theo nguyên tắc kế hoạch hóa (theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm) nhưng việc tiêu thụ than và giá cả lại đang theo cơ chế giữa kế hoạch hóa và thị trường.
Trong khi đó, chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách Nhà nước, đi ngược lại với chính sách khai thác tận thu khoáng sản, ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác tận thu, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng lưu ý là chưa đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định.
Sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc không được cung cấp đủ điện mà nguyên nhân chính là do các dự án phát triển nguồn điện ngoài EVN (của PVN, của TKV, và của các doanh nghiệp tư nhân (trong và ngoài nước) khác đã và đang bị chậm tiến độ. Đồng thời, thủy điện vừa và nhỏ rất có hiệu quả, làm nhanh, nhưng không quản lý được (do phân cấp tràn lan) thì bị hạn chế. Ngoài ra, nguồn khí và nguồn than trong nước đang cạn kiệt, trong khi đó, hơn 70% nguồn nhiệt điện sẽ bị phụ thuộc vào nhập khẩu than và nhập khẩu khí từ nước ngoài.
Vậy, trách nhiệm về việc thiếu điện cần phải được xem xét cho cụ thể, rõ ràng để có phương án giải quyết hợp lý, hiệu quả.