Bảo vệ rừng vùng giáp ranh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 12/12/2018
Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, trình độ dân trí hạn chế, kinh tế phát triển chậm, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn dẫn tới công tác bảo vệ rừng cũng như lập lại trật tự kinh doanh lâm sản của tỉnh lâu nay gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ công tác phối hợp giữa TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, việc xử lý các vụ buôn bán trái phép lâm sản trên sông Đà và ở các xã giáp ranh khá thuận lợi, qua đó kịp thời xử lý, ngăn chặn hàng trăm vụ vi phạm về bảo vệ rừng.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, trước đây việc lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái phép thường xuyên xảy ra, gây mất an ninh trật tự, nguy cơ cháy rừng cao. Kể từ khi thực hiện công tác phối hợp với Hà Nội, trách nhiệm các bên rõ ràng, nên tình trạng trên hầu như chấm dứt, không còn cảnh “cha chung không ai khóc”. Khi có vi phạm xảy ra, hai bên đã phối hợp xử lý nhanh gọn, hiệu quả.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, ngay sau khi triển khai Quy chế phối hợp, chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố đã cùng nhau nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các chi cục cũng tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các trường hợp lấn chiếm rừng, hủy hoại rừng, gây cháy rừng, vận chuyển, mua bán, kinh doanh lâm sản, săn, bắt động vật hoang dã trái phép... Cái được nữa của công tác phối hợp là các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đã nâng cao trách nhiệm bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực giáp ranh xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), trong quá trình phối hợp, hai địa phương đã xử lý hiệu quả 6 vụ cháy rừng...
Tuy nhiên, công tác phối hợp đã xuất hiện một số khó khăn do vùng giáp ranh trải dài giữa các địa phương, kinh phí phục vụ công tác này giữa các hạt kiểm lâm còn hạn chế; lực lượng kiểm lâm ở các vùng giáp ranh mỏng; phương tiện, kinh phí hỗ trợ cho việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh cho kiểm lâm hầu như không có.
Tại cuộc họp đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp mới đây, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và 8 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Phúc Thọ, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang) đã thống nhất chủ động tham mưu UBND các cấp kịp thời có biện pháp truy quét, ngăn chặn hiệu quả việc khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ vùng giáp ranh, xóa các điểm nóng; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với điểm nóng có nguy cơ xảy ra phá rừng, các chi cục kiểm lâm thực hiện tốt hơn nữa việc trao đổi thông tin, lập danh sách, quản lý các đối tượng khai thác, buôn bán gỗ tại địa phương. Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố có nhiều biện pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực giáp ranh nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp tuần tra chung nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng... Duy trì chế độ giao ban, trao đổi thông tin thường xuyên trong quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.