Thị trường hàng Việt: Tạo sức hút và hiệu ứng lan tỏa
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 12/12/2018
Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, tận dụng ưu thế của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang lan tỏa mạnh mẽ.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực. |
Chuyển biến tích cực
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã phối hợp đồng bộ với các đơn vị thành viên, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, tạo sức lan tỏa, góp phần khuyến khích và định hướng tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng, mua sắm hàng Việt.
Nói về những chuyển biến rõ rệt đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các chương trình bán hàng bình ổn giá, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân… Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được duy trì hằng năm, ngày càng nâng cao chất lượng bình chọn qua mỗi năm.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động đối thoại, giao ban, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả công tác khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu…; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, thành phố đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, qua đó hỗ trợ đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi thực phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt của nhà nước để trục lợi.
Với sự vào cuộc của các ngành liên quan, nhất là doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa đã được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn và giá thành ngày càng cạnh tranh. Chị Nguyễn Thu Anh (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Trước đây, tôi hầu như không để ý đến các thương hiệu trong nước, vì nhiều sản phẩm không đẹp, không tinh tế, chất lượng không đồng đều, giá thành lại đắt hơn so với mặt hàng từ Thái Lan, Trung Quốc... Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng đầu tư mẫu mã, cải tiến chất lượng, nên không chỉ tôi mà nhiều người tiêu dùng đã có thiện cảm hơn với hàng hóa sản xuất trong nước".
Nâng cao sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia kinh tế, dù hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhưng nếu không có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt có thể mất vị thế ngay tại sân nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh, nhiều thương hiệu Việt đang dần được chuyển giao cổ phần cho các nhà đầu tư, thương hiệu ngoại, thì các thương hiệu Việt liệu còn giữ được bản sắc, được nâng lên tầm cao mới, hay đang đánh mất mình trong cạnh tranh và hội nhập?
Bà Huỳnh Thị Huệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, để giữ thị phần tiêu thụ nội địa, ngoài các sản phẩm gia dụng thông thường, công ty đã đa dạng các sản phẩm tiện dụng cho người sử dụng như nồi cơm điện đa năng kết hợp chức năng hầm, nấu súp, luộc...; nồi điện chuyên sử dụng cho các món hầm; bếp nướng than không khói… nhằm thu hút người tiêu dùng.
Đánh giá cao nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ đa dạng hóa sản phẩm, mà còn không ngừng đổi mới sản xuất để đạt những chứng nhận về tiêu chuẩn khắt khe như ISO 22000 (yêu cầu về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng), HACCP (hệ thống phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát trọng yếu nhằm giảm nguy cơ rủi ro an toàn trong thực phẩm) hay GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)…
Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ kiểm soát và giải quyết những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ để tận dụng ưu thế của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.