Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư đại tràng
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:45, 13/12/2018
Các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư đại tràng
Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa như hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn, đau quặn bụng, chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn... Người bị ung thư đại trực tràng thường bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài nhiều lần trong ngày, khá giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, nhưng thuốc kháng sinh không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại tràng.
Sút cân bất thường: Hiện tượng giảm cân nhanh và đột ngột không do tập luyện hay ăn kiêng có thể là dấu hiệu mắc ung thư, đặc biệt là ung thư các bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư đại tràng, dạ dày...
Rối loạn bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện như đi táo, đi lỏng thất thường kéo dài.
Kích thước phân bất thường: Tình trạng phân mỏng, hẹp hơn bình thường có thể do tác động từ khối u trong đại tràng, là biểu hiện khá rõ nét của bệnh ung thư đại tràng.
Đại tiện ra máu: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc máu lẫn với chất nhầy là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào đi ngoài ra máu đều mắc ung thư đại tràng bởi đây cũng có thể là dấu hiệu một số bệnh khác như trĩ, nứt hậu môn...
Cơ thể suy nhược: Tình trạng suy nhược cơ thể và mệt mỏi kéo dài do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Dù đã nghỉ ngơi nhưng người bệnh vẫn cảm thất mệt mỏi, kiệt sức.
Nội soi bằng ống mềm giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng tại Bệnh viện K Trung ương. |
Cách phòng ngừa bệnh ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ polyp. Polyp không phải là khối u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
Việc kiểm tra đại trực tràng thường xuyên, khám sàng lọc định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các polyp tiền ung thư và kịp thời cắt bỏ chúng trước khi phát triển thành ung thư.
Bên cạnh đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về hệ tiêu hóa, người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Ngoài ra, có thể phòng tránh bệnh ung thư đại tràng bằng cách duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như không ăn quá nhiều thịt đỏ; hạn chế đồ chiên, nướng, xông khói; ăn thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây; hạn chế bia rượu; không hút thuốc lá; thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao...