Mảnh đất, đời người trong “Dòng sông nước đỏ”

Sách - Ngày đăng : 15:15, 13/12/2018

(HNM) - Viết về cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào. Và dù viết về cái gì hay viết như thế nào, quan trọng hơn cả vẫn là viết về số phận con người trong sự gắn bó với số phận một vùng đất, một vùng lãnh thổ, một quê hương, một Tổ quốc.


Tôi đã có suy nghĩ ban đầu như thế khi đọc tập truyện ngắn Dòng sông nước đỏ (NXB Hội Nhà văn, 2018) của nhà báo, nhà văn Kiều Ngọc Kim.

Bìa cuốn sách "Dòng sông nước đỏ" của tác giả Kiều Ngọc Kim.

21 truyện ngắn mang một vẻ đẹp dung dị, coi trọng nội dung hơn hình thức, đậm hơi thở đời sống và gắn bó máu thịt với đời sống. Dù khai thác ở giai đoạn nào, ở khía cạnh nào, thì chúng đều có xuất phát từ nỗi trăn trở, sự đau đớn, cảm giác mất mát trong cái nền của cái tâm, cái tình xa xót và ngậm ngùi không dứt. Dễ dàng nhận ra thế mạnh của ngòi bút Kiều Ngọc Kim là sự trải lòng mình ra mà viết trên cơ sở của những trải nghiệm cá nhân.

Nên nhớ, trong việc viết văn, trải nghiệm cá nhân bao giờ cũng được đánh giá cao và luôn được coi là thước đo của sự độc đáo, khác lạ và cũng là hành trang của người viết. Đồng thời cũng là văn bản, chứng cớ giúp cho độc giả khu biệt được giữa nhà văn này với nhà văn khác.

Cũng dễ dàng nhận ra thế mạnh của ngòi bút Kiều Ngọc Kim khi ông khai thác khá sâu những góc khuất, khúc quanh của câu chuyện cuộc đời trong những hoàn cảnh và môi trường sống cụ thể vừa gồ ghề, vừa góc cạnh.

Ông viết về những kỷ niệm mà chỉ ở tình cảnh vô cùng eo hẹp mới có trong truyện ngắn Dưới đám lục bình, những thua thiệt của người từng có công đánh giặc sau chiến tranh trong Anh Năm Bảnh, hay những hy sinh thầm lặng để đối mặt và vượt qua khi tình yêu nam nữ trỗi dậy trong chiến tranh ở Hoa bằng lăng và Dưỡng sinh.

Kiều Ngọc Kim đã có những trang văn am hiểu chiến tranh và đầy màu sắc chiến trận của một người trong cuộc, của người đã một thời là lính chiến như chi tiết trong truyện Anh Năm Bảnh - chi tiết phản ánh rất chân thực cách hành xử của người lính nơi chiến trường khốc liệt.

Dường như khi rơi vào tình thế một mất một còn, người lính thường hay nói tục một cách bột phát và chỉ xảy ra có lúc, có nơi. Đó là trường hợp Sáu Hà sống với anh em thì hiền khô, nhưng “khi vào trận thì tính nóng như lửa cứ “mày, tao”, văng bậy, chửi tục chẳng giống ai. Đã mấy lần Sáu Hà bị cấp trên phê bình vì chửi lính. Anh cười hiền, gãi đầu nhận khuyết điểm. Rồi lần sau, súng nổ, đạn réo là máu hổ lửa trong anh lại nổi xung lên, lại quát tháo, lại chửi thề ra lệnh”.

Với một số truyện ngắn trong Dòng sông nước đỏ, tôi nghĩ Kiều Ngọc Kim muốn gặp lại những kỷ niệm máu thịt và những con người trong chiến tranh để đứng trên vai quá khứ gửi thông điệp tới hiện tại, tới tương lai trong nghĩ suy, trăn trở: Chia tay nhau đã khó/ Gặp lại: Còn khó hơn (thơ của E.M.Remarque - nhà văn nổi tiếng người Đức viết về chiến tranh).

Không chỉ có thế, “trường” đề tài trong Dòng sông nước đỏ còn mở rộng đến những vấn đề khá cập nhật của đời sống. Kiều Ngọc Kim đã nghiêng xuống những thân phận dưới đáy để phát hiện ra những vẻ đẹp còn khuất lấp đâu đó như trong Mụ hủi, sự bạc bẽo của nhân tình thế thái trong Trấn trạch, hay bi kịch làm người thành phố trong Giấc mơ thị thành, Bạc trắng cánh cò. Với Kiều Ngọc Kim, còn là nỗi quê từ trong sâu thẳm với chi tiết mà tôi đặc biệt ấn tượng trong truyện ngắn Đất quê:

“ - Tôi ở ngay đất này còn nhớ quê, huống chi cậu?
- Yêu quê mà các cậu tìm cách bán sạch đất đai thì…

Nghệ trừng mắt nhìn tôi giận dữ. Dường như biết mình lỡ lời, cậu ta lảng qua chuyện khác.

Chiều Thu. Nắng nhạt nhòa.
Mặt trời khuất dần sau dãy núi”.

Hoài Văn