Chàng trai trẻ đam mê nghề nông
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 14/12/2018
Nghiêm túc với ước mơ
Chúng tôi đến thăm vườn dưa lưới của Nguyễn Phúc Bách (sinh năm 1992) khi vụ thu hoạch vừa xong. “Vườn dưa vừa cho em tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hàng ra tới đâu bán hết tới đó. Chỉ sau một lần mang sản phẩm tới các cửa hàng thực phẩm sạch chào bán, với chất lượng, mẫu mã của loại dưa trồng theo quy trình khép kín, công nghệ cao, các cửa hàng mê ngay” - Bách phấn khởi giới thiệu.
Nguyễn Phúc Bách (áo trắng) giới thiệu về mô hình trồng dưa lưới tại khu nhà màng. |
Khác với bạn bè cùng trang lứa lựa chọn con đường thi vào một trường đại học nào đó thì Nguyễn Phúc Bách quyết định lập nghiệp ở quê nhà. Trước hết, Bách đi học cách làm tại các mô hình nông nghiệp hiệu quả, từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… rồi trở về quê chọn một mô hình nông nghiệp yêu thích nhất để dấn thân. “Thấy bạn bè quần áo chỉnh tề, mình thì suốt ngày ống thấp ống cao; các anh chị trong gia đình cũng chọn con đường học tập, người thì làm giáo viên, người làm công chức hoặc lao động xuất khẩu... em cũng do dự lắm. Chẳng lẽ cả đời mình ở nông thôn, quanh quẩn với mấy sào ruộng thì sống ra sao?". Bách tâm sự về nỗi trăn trở khi mới lập nghiệp bằng nghề nông. Nhưng, may mắn khi đó, Bách được tiếp xúc với những người bạn lớn tuổi. Họ đã có kinh nghiệm nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nên Bách hoàn toàn yên tâm với sự lựa chọn của mình.
Thế rồi, từ số tiền dành dụm ít ỏi, vay mượn người thân và ngân hàng, Nguyễn Phúc Bách quyết định mua 3 con bò cái đầu tiên để khởi nghiệp. Chỉ sau vài năm, từ 3 con bò này, Bách đã có đàn bò gần chục con, trở thành thanh niên nuôi nhiều bò thịt nhất xã. Vừa nuôi bò, vừa nghe ngóng nơi nào có mô hình nông nghiệp hiện đại là Bách tới tham quan, rồi mua sách về học, tìm hiểu thông tin, liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư… quyết làm nông nghiệp công nghệ cao. Khi Bách trình bày với bố mẹ về việc bán đàn bò để đầu tư khu nhà màng, nhà lưới khung thép kiên cố với hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, lắp đặt hệ thống camera giám sát quy trình sản xuất... thì bố mẹ không khỏi lo lắng. Không hẳn vì mức đầu tư tiền tỷ mà còn bởi bao đời nay, nông dân ở đây đã quen với trồng các loại cây truyền thống, sản xuất ngoài trời, quen nắng mưa chứ làm kiên cố thì trồng cây gì cho ra lãi để thu hồi vốn cả tỷ đồng... “Khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp em đã lường trước những khó khăn, nhưng em vẫn lạc quan. Có làm rồi mới biết sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro đến nhường nào!” - Bách chia sẻ.
Từ hơn 100 triệu đồng ban đầu cùng nguồn vốn vay, Bách đầu tư một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên 1.000m2 trồng thử nghiệm các loại rau, quả, đặc biệt là giống dưa lưới của Nhật Bản. Thay vì trồng bằng đất, Bách nhập cả ô tô tải xơ dừa, các loại phân bón, vật tư khác... để trồng dưa lưới. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, Bách chọn mua giống ở cơ sở uy tín về trồng, sau đó, dần học hỏi cách tự nhân giống. Vụ đầu tiên, năng suất không cao do cây ra quả vào thời điểm mùa hè, nhiều lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 42 độ C, trong khi các biện pháp hạ nhiệt trong nhà màng chưa chuẩn nên năng suất chỉ đạt 30% so với dự kiến.
Sau nhiều đêm trăn trở, Bách nhận ra làm nông nghiệp muốn thành công thì không thể canh tác ồ ạt trên diện rộng mà phải có sự tính toán, cân nhắc để giảm thiểu tổn thất. Vẫn kiên định với lựa chọn của mình, Bách tiếp tục tìm hiểu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Sau đó, chàng trai trẻ mạnh dạn mở rộng, xây dựng nhà kính trồng rau, quả an toàn quy mô 3.000m2 với 5.500 gốc dưa lưới giống Nhật, với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Không phụ công người, ở lần thử sức này thành công đã tới. Vườn dưa phát triển tốt, trung bình mỗi quả dưa lưới nặng khoảng 1,5-2kg, giá xuất bán tại ruộng 55.000 đồng/kg. Mỗi vụ dưa, Bách thu 250-400 triệu đồng.
Mô hình điểm thành công
Mặc dù đạt kết quả khả quan ban đầu, song Bách không dừng lại. Nguyễn Phúc Bách cho biết, tới đây anh sẽ mở rộng thêm 2-3 khu nhà màng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn và tích tụ đất đai. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa lớn, nhưng quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp/hộ gia đình nhỏ. Do đó, việc tích tụ ruộng đất để hình thành các ô thửa lớn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến chi phí đầu tư lớn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro; nguồn vốn vay ưu đãi cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận do không có tài sản thế chấp, đất canh tác hiện giờ cũng chỉ là thuê lại của các hộ dân...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, chú trọng cây trồng mới, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng an toàn. Bởi vậy, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Nguyễn Phúc Bách ở xã Phù Lưu là mô hình điểm thành công của thế hệ nông dân mới, khác hẳn tư duy và cách làm của thế hệ cha anh trước đây…
Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho rằng, từ thành công ban đầu của Nguyễn Phúc Bạch, cùng chính sách của thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo... nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thế hệ trẻ.
Với Nguyễn Phúc Bách, anh không ngừng thu nạp kiến thức, tiếp thu những nhận xét, góp ý để hoàn thiện mô hình sản xuất. So với các mô hình khác, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Bách chưa lớn về quy mô, nhưng thể hiện tư duy sản xuất mới, có sự liên kết giữa các khâu và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp. Cách nghĩ, cách làm của những người trẻ tuổi như Bách đang lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên sinh ra ở nông thôn. Hy vọng, từ thế hệ trẻ với những người đam mê, nghiêm túc, mạnh dạn như Nguyễn Phúc Bách sẽ tạo nên bức tranh tươi mới trong nông nghiệp Việt Nam: Tuổi trẻ, năng động, sáng tạo, hiệu quả...