Thu hẹp khoảng cách phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 15/12/2018
Thực tế cho thấy, mặc dù là tiêu chí không dễ thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, nhưng bằng sự nỗ lực, chủ động huy động nguồn lực của các địa phương, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn Hà Nội đã từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Với người dân sinh sống ở khu vực xa trung tâm, vùng miền núi, việc hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối những thôn bản hẻo lánh nhất đã góp phần thu hẹp khoảng cách địa lý, trình độ phát triển với miền xuôi. Điều này vừa mang tính thiết thực, vừa hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc nâng cao đời sống người dân.
Để có được thành quả trên, điều đầu tiên phải nhắc đến là sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Thành ủy, UBND TP Hà Nội cùng các cấp, ngành chức năng. Đặc biệt, việc ưu tiên nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách thành phố cộng với nguồn vốn xã hội hóa từ chính người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường..., là tiền đề quan trọng để những con đường khang trang hình thành, góp phần căn bản thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên, với yêu cầu trong giai đoạn mới, việc phát triển giao thông nông thôn đang đặt ra những nhiệm vụ khó khăn hơn, bởi giao thông là lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn nhất.
Do vậy, trước hết, việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới vẫn tiếp tục phải gắn với Chương trình 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020". Trong đó, để giải bài toán nguồn lực đầu tư thì cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trước thực trạng không ít tuyến đường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp lớn và đô thị hóa, nhất là giao thông nội đồng, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông nông thôn bảo đảm bài bản, đồng bộ. Vấn đề cần lưu ý trong việc này là phải đáp ứng đa mục tiêu như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập môi trường cảnh quan mới, yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập và phát triển bền vững.
Thực tế, ở nhiều nơi, việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn vẫn nghiêng về đầu tư nâng cấp đường bộ, trong khi hệ thống cầu còn hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Do vậy, các ngành chức năng và địa phương cần rà soát, sớm có phương án đầu tư thay thế các cầu yếu, cầu tạm, xem xét ưu tiên những nơi người dân có nhu cầu đi lại lớn, kết nối nhiều địa phương...
Trong quá trình đầu tư đường giao thông nông thôn, ngành chức năng cũng cần chú trọng đến việc hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông (cọc tiêu, biển báo...); thoát nước; tổ chức kết nối giao thông bảo đảm thuận tiện; xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị với khu vực dân cư có quy hoạch đô thị... Ngoài ra, công tác bảo trì công trình phải được quan tâm đúng mức, thường xuyên hơn, nhằm phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng, bảo đảm an toàn giao thông. Mỗi người dân cũng chủ động phát huy vai trò của mình, tích cực ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, đóng góp sức người, sức của, tham gia giám sát thi công, giữ gìn, bảo vệ hạ tầng giao thông.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để hệ thống giao thông nông thôn sớm được hoàn thiện, kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông chung, tiếp tục góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.