Lượng kiều hối tăng mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 08:12, 15/12/2018
Trong báo cáo của UNDP, tổng lượng kiều hối vào Việt Nam từ Mỹ là lớn nhất, chiếm 55%; tiếp đến là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều ở hải ngoại và lao động xuất khẩu, trong đó Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm 80-90% lượng kiều hối gửi về nước.
Cũng theo UNDP, kiều hối góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối. Dòng kiều hối ngày càng nhiều cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn tài chính phát triển của Việt Nam. Ngoài phục vụ mục đích tiêu dùng, kiều hối được chuyển sang các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, bất động sản, hoặc tích lũy dưới dạng vàng, ngoại tệ.
Với số người định cư ở nước ngoài khá lớn, TP Hồ Chí Minh có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất cả nước. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn 10 tháng năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD. Thông thường các tháng cuối năm lượng kiều hối sẽ tăng mạnh và dự báo trong cả năm 2018 có thể đạt 5,2 tỷ USD. Kiều hối chuyển về nước chủ yếu từ Mỹ (khoảng 60%), các nước châu Âu (khoảng 19%)... Theo thống kê, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm 70-72%, bất động sản khoảng 22% và còn lại là hỗ trợ người thân.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, kiều hối của cả nước sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Nếu xét ở góc độ đầu tư tài chính, nhà đầu tư sẽ quyết định đồng tiền của mình được chảy tới nơi có khả năng sinh lời cao nhất. Hiện nay, thị trường chứng khoán và bất động sản đang khởi sắc, nên lượng kiều hối đổ về đầu tư vào hai thị trường này đang tăng mạnh, vượt qua những áp lực từ chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hay những biến động của thị trường thế giới.
Ngoài ra, nguồn kiều hối về Việt Nam còn chảy vào các ngân hàng dưới dạng gửi tiết kiệm, bởi mức chênh lệch giữa lãi suất tiền VND và ngoại tệ tại Việt Nam lớn. Trong khi lãi suất huy động với USD vẫn chỉ dừng lại ở 0%, thì lãi suất huy động VND đã lên mức cao nhất 8,6%/năm với kỳ hạn dài. Thời gian gần đây, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với VND, đặc biệt là với những kỳ hạn dài trên 12 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm, cũng như đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Như vậy, nếu đổi từ USD ra VND, người gửi tiền sẽ có lợi hơn rất nhiều, nên một lượng tiền kiều hối cũng đã chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng.
Trên thực tế, các ngân hàng cũng được hưởng lớn từ nguồn kiều hối. Trong hệ thống ngân hàng, có hơn 20 ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng so với những năm trước như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)... Một số ngân hàng còn có mức tăng trưởng hơn 100% như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từng lỗ 43 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay lãi khoảng 300 tỷ đồng; BIDV vẫn là một trong những ngân hàng có thị phần lớn nhất trên thị trường ngoại hối, với mức tăng trưởng tới 55%, đạt khoảng 800 tỷ đồng.